ThienNhien.Net – Thế giới đã từng chứng kiến chuỗi các hiện tượng thời tiết cực đoan ở khu vực châu Á suốt từ đầu năm đến nay: Đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ và Pakistan, hạn hán ở Campuchia, Indonesia và Việt Nam, khan hiếm nước ở Thái Lan… Tất cả đều là ảnh hưởng của một dạng biến đổi khí hậu có tên là El Nino, dự kiến còn kéo dài tới năm 2016.
Giới khoa học khí tượng mới đây đã xác nhận rằng tất cả các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra trong năm nay đều là hậu quả của một đợt El Nino, một hiện tượng thời tiết tuần hoàn gây nên do nhiệt độ nước biển ở đại dương ấm lên. Trong năm 2015, El Nino xảy ra được coi là lẽ đương nhiên do đây là năm được ghi nhận là nóng kỷ lục mà thế giới từng chứng kiến.
Tuy El Nino tác động đến gần như mọi khu vực trên thế giới, nhưng gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là các quốc gia châu Á, trong đó có cả nước ta. Tình trạng hạn hán đã trở nên phổ biến trong khu vực châu Á, khiến nhiều nước không thể đảm bảo được nguồn nước, thực phẩm và năng lượng…El Nino được giới chuyên gia khí tượng dự báo sẽ còn tồn tại đến năm 2016, và kêu gọi các nước châu Á cần có biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của nó.
Hạn hán, thiếu nước
Một trong những hiệu ứng nguy hiểm nhất của El Nino chính là tình trạng khan hiếm nước. Ở Việt Nam, thủy điện cung cấp khoảng 30% tổng sản lượng điện năng, trong khi con số này ở Myanmar là 70% và ở Nepal là 100%.
Nguồn năng lượng sẽ giảm khi nước trở nên khan hiếm hơn do hạn hán, khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào thủy điện buộc phải cắt điện hoặc ngừng một số nhà máy thủy điện. Điều này dẫn đến việc một số nước phải đẩy mạnh mua các loại nhiên liệu hóa thạch khác để thay thế, tiêu tốn ngân sách và dẫn đến tình trạng lạm phát trong khi lại gia tăng ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, hạn hán và nhiệt độ tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp. Theo ước tính, nhiệt độ cứ gia tăng 1 độ C thì sản lượng gạo sẽ giảm khoảng 10%. Tương tự, mùa mưa đến chậm hơn cũng khiến việc thu hoạch bị gián đoạn – như trường hợp của Ấn Độ và Philippines mới đây.
Vựa lúa gạo của Thái Lan hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng bởi một trong số đợt hạn hán năng nề nhất mà họ từng chứng kiến, khiến cho người nông dân chìm trong nợ nần. Các dự báo kinh tế ở nước này bởi thế mà cũng bị giảm mạnh, trong khi Philippines và Indonesia cũng đang có xu hướng tiếp bước Thái Lan.
El Nino là hiện tượng ấm lên của vùng biển Đông Thái Bình Dương, chủ yếu ở dọc đường xích đạo. Lượng nước biển nóng lên này thường bị gió đẩy đến khu vực Tây Thái Bình Dương, đến các nước Indonesia và Australia.Tuy nhiên, do sức gió và hướng gió có thể thay đổi nên luồng nước ấm này đôi lúc còn tiến đến cả Nam Mỹ. El Nino xảy ra cứ từ 2-7 năm một lần, và nước ở vùng biển Thái Bình Dương có thể ấm lên đến 4 độ C. |
Ngư nghiệp bị ảnh hưởng
Thêm vào đó, ảnh hưởng của El Nino đối với ngành ngư nghiệp ở châu Á cũng được xem là rất nghiêm trọng. Khi nhiệt độ nước biển gia tăng, các loài cá có xu hướng sống ở mực nước sâu hơn hoặc di cư sang vùng khác, khiến sản lượng đánh bắt cá ở các nước có ngành ngư nghiệp phát triển chịu ảnh hưởng. Đối với một số nước dễ bị tác động thuộc khu vực Thái Bình Dương như đảo Kiribati và Marshall, nơi ngư nghiệp đóng góp 55% cho GDP, thì El Nino đúng là một cơn ác mộng. Nước ta cùng một số nước như Campuchia và Myanmar dự kiến cũng sẽ chịu ảnh hưởng, bởi ngư nghiệp chiếm từ 8-10% GDP.
Cũng do gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng lương thưc, nên El Nino còn có thể khiến lạm phát gia tăng và các chính phủ phải nhập khẩu thêm lương thực trong khi người dân có xu hướng dự trữ. Dù lạm phát ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nói chung những người nghèo vẫn gánh chịu nhiều nhất.
Giảm thiểu tác hại
Theo giới chuyên gia phân tích, với ảnh hưởng hủy diệt của El Nino, một trong những bước đối phó đầu tiên mà khu vực châu Á cần phải làm chính là quản lý tốt nguồn dự trữ lương thực và khởi đầu bằng việc vực dậy hệ thống dự trữ lương thực khu vực. Hệ thống dự trữ lương thực được đề xuất trong khối các nước Đông Nam Á sau đợt khủng hoảng lương thực gần đây nhất xảy ra hồi cuối những năm 1990, tuy nhiên sau đó bị bỏ ngỏ sau khi cuộc khủng hoảng qua đi.
Cải thiện quản lý và dự trữ nguồn nước cũng là yếu tố quan trọng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của El Nino. Ngoài ra, các nước vốn đang phụ thuộc vào thủy điện cũng cần phải đa dạng hóa nguồn năng lượng và hợp tác năng lượng giữa các nước trong khu vực. Một ví dụ điển hình là Ấn Độ và Bhutan từng ký kết thỏa thuận chia sẻ năng lượng xuyên quốc gia mà đến nay vẫn có hiệu lực và hiệu quả.
El Nino rõ ràng không phải một hiện tượng khí tượng thời tiết thông thường như người ta lầm tưởng, mà nó là sự liên kết ảnh hưởng giữa khí hậu Trái Đất và nền kinh tế. Thế giới đã từng chứng kiến việc phớt lờ ảnh hưởng của El Nino đã gây ra những hậu quả khủng khiếp như thế nào. Trong đợt El Nino nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận hồi năm 1997-1998, tỷ lệ nghèo khó tăng 15% ở châu Á, trong khi khiến chính phủ các nước tiêu tốn 45 tỷ USD để khắc phục hậu quả.