ThienNhien.Net – Tại nhiều xã của huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) có hàng trăm ha đất dự án bỏ hoang kéo dài, gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.
Bỏ hoang cả thập kỷ
Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thu hồi 150ha đất đồi cát ở xã Phong Chương để bàn giao cho Công ty cổ phần Bảo Toàn A thực hiện dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy tinh silicat. Ngay khi có quyết định của tỉnh, chính quyền xã Phong Chương và huyện Phong Điền gấp rút đo đạc, hoàn tất hồ sơ để giao đất cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi nhận đất, Công ty Bảo Toàn A chỉ tổ chức động thổ rình rang rồi bỏ hoang đất được giao.
“Khi thấy dự án được động thổ, chính quyền và người dân ở xã rất phấn khởi bởi nghĩ rằng dự án sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Ai ngờ sau một thập kỷ được giao đất, dự án vẫn “án binh bất động” – Chủ tịch UBND xã Phong Chương Nguyễn Thế Giáp bức xúc.
Tại xã Phong Hòa gần đó cũng có lượng lớn diện tích đất dự án bị bỏ hoang kéo dài sau khi giao cho doanh nghiệp. Tháng 8.2006, Công ty TNHH Sơn Tùng được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản trên diện tích hơn 10ha đất cát, đồng thời cho phép thăm dò mỏ cát thạch anh trên diện tích 70ha. Mặc dù có sẵn công nghệ chế biến thủy tinh silicat từ cát trắng nhưng Công ty Sơn Tùng chỉ khai thác cát thô vận chuyển đi tiêu thụ một thời gian rồi bỏ hoang đất được cấp từ đó đến nay.
Bên cạnh những dự án bỏ hoang toàn bộ đất được giao, nhiều dự án khác ở Phong Điền “ôm” lượng lớn diện tích đất nhưng chỉ sử dụng một phần nhỏ. Đơn cử như dự án khu nuôi tôm trên cát ở xã Điền Hương của Công ty Hawaii được cấp 49ha đất, nhưng chỉ sử dụng 15ha…
Dân “khát” đất sản xuất
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Trưởng thôn Trung Thạnh (xã Phong Chương) cho biết, toàn thôn có hơn 200 hộ dân, trong đó có 15 hộ nghèo. Cuộc sống của nhiều hộ dân trong thôn rất khó khăn do thiếu đất để phát triển các mô hình sản xuất, nhất là trồng rừng kinh tế. Theo ông Tuấn, nếu 150ha đất ở thôn được cấp cho người dân phát triển trồng rừng thay vì cấp cho Công ty Bảo Toàn A để rồi bị bỏ hoang thì cuộc sống người dân đã đổi khác.
“Người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị cấp trên thu hồi 150ha đất bị Công ty Bảo Toàn A bỏ hoang để cấp cho họ trồng rừng kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”- ông Tuấn cho hay.
Nghịch lý người dân “khát” đất sản xuất trong khi đất dự án lại bị bỏ hoang như ở Phong Chương cũng là thực trạng chung tại các địa phương khác có dự án treo ở huyện Phong Điền. Ngoài gây lãng phí tài nguyên đất nghiêm trọng, có dự án còn tàn phá môi trường, như dự án của Công ty Sơn Tùng. Sau khi khai thác khoáng sản một thời gian rồi bỏ hoang đất, công ty này không hoàn thổ mặt bằng và trồng cây tái tạo môi trường theo quy định. Hiện trong khu vực đất dự án đang tồn tại một hố sâu có diện tích 3ha, đây là cái bẫy nguy hiểm đối với người dân.
Ông Nguyễn Văn Cho – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, nhằm khắc phục tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, huyện đã đề xuất tỉnh thu hồi đất cấp cho Công ty Sơn Tùng. Riêng dự án của Công ty Bảo Toàn A thì phải chờ đến lúc giấy phép hết thời hạn mới có thể kiến nghị thu hồi. Về dự án của Công ty Hawaii, theo ông Cho, đến năm 2016 nếu Công ty Hawaii vẫn không sử dụng 34/49ha đất được cấp thì cần phải thu hồi diện tích đất bỏ hoang. |