ThienNhien.Net – Vùng Kinh Bắc, mấy ai không biết các làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tái chế nhôm Văn Môn, sắt thép Đa Hội, giấy Phong Khê… Có điều, bên cạnh việc cuộc sống của một bộ phận người dân đã ổn định và khá giả nhờ những nghề ấy, ô nhiễm môi trường lại đang dần trở thành một nỗi ám ảnh.
Quay lưng với chính mình
Đặt chân vào làng nghề giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) một ngày nắng như đổ lửa, cảm giác ngột ngạt lại càng rõ rệt. Hai bên đường, cống rãnh đen ngòm. Mùi hóa chất nhuộm tẩy đậm đặc thải ra dòng kênh đỏ quạch quanh làng khiến người không quen xây xẩm mặt mày. Đường làng, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào ra, khói bụi mù mịt. Và đám trẻ vẫn vô tư nô đùa bên những đống gỗ phế thải ngổn ngang.
Nghề làm giấy ở Phong Khê từ lâu đã đi vào ngôn ngữ khiêm nhường của các liền chị Quan họ: “Người ta buôn bán vạn ngàn/ Em nay làm giấy cơ hàn vẫn vui/ Chớ xin nho sỹ đừng cười/ Em nay làm giấy cho người đề thơ”. Từ một làng làm giấy dó thủ công bao đời, nay Phong Khê đã có hai khu công nghiệp làng nghề rộng gần 50 hécta, với hơn 200 doanh nghiệp có khoảng 220 dây chuyền sản xuất, thu hút gần 5.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận, với mức lương công nhân bình quân năm triệu đồng/tháng. Song, chính nơi đi đầu trong phát triển công nghiệp làng nghề ấy lại đã trở thành một trong những địa điểm ô nhiễm nhất tỉnh Bắc Ninh.
Ông Phạm Xuân Vũ, 54 tuổi, cư dân làng Phong Khê than thở: Ông sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng giờ nhiều khi không còn muốn sống ở làng nữa. Những hôm trời đổ mưa, thay cho sự mát mẻ thì không khí lại oi nồng, mùi khói khét lẹt. “Hôi tanh đến tức thở!” là cảm giác mà ông Vũ muốn lột tả, khi một hộ kinh doanh nào đó vì lợi nhuận, thay vì đốt lò hơi sản xuất giấy bằng than, củi, thì lén lút đốt bằng rác thải, giẻ rách giữa đêm.
Nhiều năm nay ông Vũ là thành viên trong ban kiểm soát của làng nghề. Ông và hàng xóm đã quá quen với cảnh “nửa đêm phát hiện mùi rác thải đốt, liền bật dậy để đi tìm thủ phạm”. Vậy nhưng, bất chấp, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra triền miên. Chỉ tính riêng năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 383 tấn rác thải dùng để đốt lò hơi sản xuất giấy ở Phong Khê. Vì lợi nhuận, người làng nghề đã và đang quay lưng lại với sức khỏe của chính mình và những người chung quanh. Khí độc ngùn ngụt xả ra từ các lò đốt rác thải. Nước thải chưa qua xử lý, hoặc được xử lý qua loa, thì đổ trực tiếp ra kênh mương trong làng, rồi chảy ra các ao hồ, lòng sông. Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày làng giấy Phong Khê thải ra môi trường khoảng 4.500 đến 5.000 m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp hàng chục lần tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể: Hàm lượng chất rắn lơ lửng (chất không hòa tan trong nước) cao hơn từ 4,5 đến 11 lần, COD (chỉ tiêu ô nhiễm sinh học) cao hơn từ 8 đến 500 lần, Pb (nhiễm chì) cao hơn 5,5 lần…
Và những chất thải độc hại này đang hằng ngày “gặm nhấm”, “tiến công” cuộc sống của người dân. Nguồn nước ô nhiễm là mầm mống cho nhiều bệnh tật phát sinh. “Hiện chưa có cơ quan nào nghiên cứu, khảo sát, nhưng ảnh hưởng của môi trường đã dẫn đến thực tế: Người dân địa phương bị mắc bệnh hô hấp và bệnh ngoài da hơn so với địa phương lân cận.” – ông Lê Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê thừa nhận. “Qua theo dõi, chúng tôi thấy có những bệnh xuất hiện ngày một nhiều tại Phong Khê là do tác động của môi trường. Tỷ lệ mắc ung thư ở Phong Khê cũng có dấu hiệu gia tăng, trung bình mỗi tháng có một ca. Những năm trước, số ca mắc ung thư thấp hơn rất nhiều”- y sĩ Hoàng Đắc San, Trưởng trạm Y tế phường Phong Khê cho biết thêm.
Trong lúc tình trạng ô nhiễm này vẫn chưa được xử lý có hiệu quả, người dân vẫn phải cố gắng “chung sống và thích nghi”. “Trẻ con quê tôi không biết thế nào là được vui chơi, được sống, được thở một bầu không khí trong lành” – ông Nguyễn Văn Toán, trưởng khu Dương Ổ phàn nàn. Để chứng minh, ông dẫn chúng tôi đến thăm nhà bà Đào Thị Hòa, 61 tuổi, một hộ dân không làm nghề giấy, bị các nhà xưởng chung quanh bao vây. Theo ông Toán, nhà bà Hòa đóng cửa im ỉm suốt ngày để tránh mùi uế tạp từ gỗ, giấy và những lò hơi xả khói liên tục. Bà không còn sự lựa chọn nào khác. Gia cảnh nghèo khó, mình bà lại đang phải chăm lo cho người cha già yếu và đứa con bị bệnh tật. “Phải sống thôi! Tôi làm gì có tiền mua nhà nơi khác?!” – giọng bà buồn rười rượi.
Nỗi niềm không của riêng ai
Phong Khê không phải là làng nghề duy nhất ở thành phố Bắc Ninh có bầu không khí “dễ thở” như vậy. Cách làng nghề giấy không xa, có Khắc Niệm – làng nghề làm bún nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Trong ấn tượng của nhiều người dân, Khắc Niệm ngày trước tầm giờ gà chưa gáy đã có từng đoàn xe đạp vào ra lấy bún tỏa đi các vùng giao hàng như ngày hội. Những năm gần đây, làng nghề phát triển mạnh, bún được chở bằng ô-tô bán tải, có đến hàng chục chiếc, với hàng tấn bún được cung cấp cho các tỉnh lân cận và thị trường Hà Nội. Làng bún không chỉ tạo việc làm mà còn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu.
Song, đằng sau những sợi bún thơm ngọt cũng vẫn là nỗi lo ngại về những dòng nước thải, cùng những bất cập trong công tác xử lý nước thải. Với hơn 200 hộ làm bún, hằng ngày lượng nước thải xả ra từ quy trình làm bún ở Khắc Niệm lên tới 5.000 m3. Nước thải ngập các kênh mương và bốc mùi men chua rất khó chịu. Giải quyết vấn đề này, cách đây sáu năm làng bún đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Nhưng theo ông Nguyễn Thanh Đôn, Phó Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm, công suất xử lý của bể chỉ có 450 m3/ngày, so với hàng nghìn m3 nước thải của làng bún thì “chẳng thấm vào đâu”. Ở các cơ sở sản xuất, nước thải, khí thải đều được xả thẳng ra môi trường mà không hề có bất kỳ một biện pháp xử lý nào. Vậy nên, bao năm nay người dân Khắc Niệm đành chấp nhận sống chung với cảnh “bún trắng mà nước chẳng trong” – như cách người dân vẫn ví von về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Câu chuyện của Khắc Niệm hay Phong Khê cũng là vấn đề nhiều làng nghề khác đang gặp phải. Tỉnh Bắc Ninh hiện có 63 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề hiện đã xác định là làng nghề ô nhiễm, theo đó phải có kế hoạch xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ nay đến năm 2020. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2015, ngành tài nguyên và môi trường tập trung xử lý ô nhiễm môi trường đối với ba dự án làng nghề: Tái chế nhôm Văn Môn, đúc đồng Đại Bái, và làng nghề làm bún Khắc Niệm. Bên cạnh việc hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm, giai đoạn I của dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung vào làng nghề giấy Phong Khê. Hy vọng, khi dự án triển khai, điều kiện sống người dân nơi đây sẽ được cải thiện.
Một trong những vấn đề nhức nhối ở không ít làng nghề chính là vấn đề xử lý chất thải hầu hết đổ ra môi trường sống, nhưng thời gian qua lại không có bất cứ một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường nào tới sức khỏe con người được đưa ra. Làng nghề nếu không có quy hoạch, không áp đặt những chế tài về xử lý môi trường sẽ trở thành những “ngôi làng bệnh tật” trong tương lai gần. Bởi vậy, rất cần có sự quản lý, kiểm tra chặt choe của các cấp chính quyền cùng các cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường. Trước mắt, cần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân tại các làng nghề. Bảo vệ môi trường làng nghề là bảo vệ chính sự sống của mình. Hơn ai hết, đầu tiên, người làng nghề phải hành động vì một môi trường sống không ô nhiễm trước khi quá muộn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế):
Hiện có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý môi trường. Tuy vậy, đến thời điểm này, chúng ta cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe môi trường, đặc biệt là các số liệu dịch tễ học. Chúng ta cần có cơ quan nghiên cứu, dự báo, cảnh báo và dự phòng các nguy cơ sức khỏe môi trường nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có hại lên sức khỏe con người.
Ông Hà Minh Họa, Chi Cục trưởng Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh:
Ngoài việc đầu tư cho việc xử lý ô nhiễm môi trường bịị xem nhẹ, thì nhận thức của người dân làng nghề về bảo vệ môi trường còòn thấp, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Kết quả: Đối tượng bịị ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm môi trường chính là người dân của làng nghề.