ThienNhien.Net – Dọc hai bên đường cứu nạn, cứu hộ từ TP Tam Kỳ đến huyện Thăng Bình chạy song song với tuyến đường Thanh niên ven biển đang thi công nham nhở lại bùng phát nạn khai thác cát trắng trái phép vào ban đêm.
Từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương và lực lượng Công an TP Tam Kỳ luôn mật phục, truy quét ở điểm nóng mà cát tặc khai thác trái phép cát trắng ở các vùng ven biển, song nạn sa tặc vẫn liên tục tái diễn. Dọc hai bên tuyến đường dài hơn 10km, từ thôn Kim Đới, xã Tam Thăng qua địa bàn xã Tam Phú, TP Tam Kỳ nhiều nơi đã bị đào bới để lấy cát trắng, có chỗ theo quan sát của chúng tôi, cát tặc đã đào thành những cái hố sâu hơn 10m.
Những người dân địa phương cho biết, khó mà biết họ ở đâu đến, thuộc đơn vị nào, chỉ thấy cứ vào khoảng nửa đêm, các xe tải lớn, tắt đèn pha, tranh thủ dừng xe ở các vị trí thuận lợi xúc cát lên đem tiêu thụ cho các cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn, hoặc bán cho nhà máy cần nguyên liệu cát trắng.
Cả tuyến đường trải dài ven biển này, cứ vào đêm tối mịt mờ kể cả những ngày gió mưa, cát tặc vẫn lén lút hoạt động. Thậm chí các đối tượng này còn cho người dùng xe máy thám thính trước chỗ nào không có lực lượng chức năng là dùng điện thoại kêu xe đến nhanh chóng ra tay. Bọn chúng thoắt ẩn, thoắt hiện, nhanh chóng đến, rồi nhanh chóng đi, lực lượng chức năng cấp xã cũng không có quyền dừng xe, nếu không bắt được tại trận.
Nguyên nhân cát tặc lộng hành ở Quảng Nam nói chung và cát trắng nói riêng là do trên địa bàn này công trình xây dựng hàng loạt đang diễn ra. Cát sốt giá dao động trên dưới 150 nghìn đồng/m3 nên đối tượng đã bất chấp tận thu.
Để tìm hiểu vấn đề người dân phản ánh, chúng tôi đã có mặt tại đường cứu nạn, cứu hộ ven biển qua địa phận thôn Kim Đới, tại đây đã thấy nhiều con đường mở trái phép từ vỉa hè chạy thẳng vào rừng phòng hộ Pasca. Lòng đường còn nguyên dấu xe cơ giới vừa rời khỏi hiện trường. Nhiều cây đào, cây keo trồng từ năm 2004 đã bị bứng gốc. Khu rừng đã bị cày nát, biến dạng địa hình.
Một số điểm lấy cát trắng đã ăn sát vào chân cống, dễ gây ra hiện tượng sạt lở đường. Để hiện trường không bị nước ứ đọng thành ao, hồ gây khó cho công đoạn khai thác, các đối tượng đã tự tạo các đường thoát nước chảy trực tiếp vào chỗ thấp trũng trong rừng phòng hộ, vì thế các loại cây mới trồng chết la liệt.
Theo ông Châu Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, qua kiểm đếm, kiểm lâm đã phát hiện gần 600 gốc cây rừng bị triệt hạ do khai thác cát trái phép. 6 tháng đầu năm, chính quyền xử phạt hành chính 12 đối tượng với 47 triệu đồng về hành vi khai thác cát trái phép. Qua đó cho thấy tình hình khai thác cát trên địa bàn rất phức tạp. Việc khai thác cát trắng trái phép, ngoài chảy máu tài nguyên khoáng sản, còn mất mát rất lớn là rừng phòng hộ Pasca hơn 10 năm tuổi bị đe dọa.
Theo ông Nguyễn Đức Vương, Chủ tịch UBND xã Tam Phú, khi chính quyền xã Tam Thăng tăng cường lực lượng truy quét, đối tượng đã dạt về xã Tam Phú hoạt động lén lút vào ban đêm. Hiện tình hình tạm yên ắng, nhưng chỉ cần lơ là, đối tượng sẵn sàng huy động xe tải các loại vận chuyển cát trắng ra ngoài tiêu thụ.