ThienNhien.Net – Đó là nhận định của đại diện Sở Tư pháp TP Cần Thơ tại tọa đàm về “Đánh giá quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và thực tiễn trên địa bàn TP Cần Thơ” do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và sở này vừa phối hợp tổ chức.
Theo đại diện Sở Tư pháp TP Cần Thơ, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường thuộc nhóm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm pháp lý vẫn phát sinh ngay cả khi bên gây ra thiệt hại không có lỗi. Tuy nhiên, việc chứng minh các yếu tố về thiệt hại xảy ra, hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với hậu quả là điều vô cùng khó đối với người dân muốn khởi kiện bên vi phạm. Nguyên nhân là do chi phí giám định thiệt hại là rất lớn, thiết bị giám định nhiều khi ở Việt Nam không có, phải thuê kỹ thuật của nước ngoài. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện còn thiếu nhiều quy chuẩn…
Theo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Cần Thơ), từ năm 2009 đến nay, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Cơ quan này đã phát hiện 343 vụ vi phạm môi trường, xử phạt hành chính trên 10 tỉ đồng.
Không chỉ riêng Cần Thơ, đây cũng là tình hình chung của nhiều địa phương khác. Được biết dự thảo BLHS (sửa đổi) đã đề xuất xử lý hình sự pháp nhân về 32 tội danh, trong đó có các tội thuộc nhóm tội phạm môi trường: Tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tội hủy hoại rừng… Theo nhiều chuyên gia, nếu đề xuất trên được chính thức luật hóa, việc đòi bồi thường thiệt hại của người dân sẽ trở nên dễ dàng hơn khi tham gia vào vụ án hình sự với tư cách người bị hại.