ThienNhien.Net – Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, các cửa sông, biển trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hiện nhiều cửa biển có mức độ ô nhiễm tăng gấp đôi, thậm chí gần 5 lần so với lần khảo sát vào cuối năm 2014, trong đó cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sông Ðốc là cửa biển lớn nhất của tỉnh, mỗi ngày nơi đây có hơn 1.300 phương tiện khai thác thủy sản trong và ngoài tỉnh hoạt động. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn Sông Ðốc có hơn 110 xí nghiệp chế biến thủy hải sản, gần 1.700 cơ sở kinh doanh, dịch vụ và hơn 33.000 người dân sinh sống. Cuộc sống của người dân gắn liền với sông nước. Điều này dẫn đến thực trạng các dòng sông ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Sông Ðốc Lâm Văn Phú, thực trạng ô nhiễm tại cửa biển Sông Ðốc và khu vực chợ thị trấn đã diễn ra nhiều năm. Chính quyền địa phương đã tăng cường nhiều hoạt động để khắc phục tình trạng này nhưng không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của địa phương cũng chưa ý thức được trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường chung, nhiều doanh nghiệp chấp nhận đóng phạt với số tiền lên đến vài trăm triệu chứ không xây dựng hệ thống xả thải…
Ông Phạm Trọng Nghĩa, người dân thị trấn Sông Ðốc cho biết, nhiều hộ dân ở đây cứ tiện tay là vứt rác xuống sông thay vì bỏ rác vào thùng. Nhiều hộ dân cũng chưa có ý thức đóng phí thu gom rác, dù mỗi tháng chỉ 13.000 đồng… Bên cạnh đó, thói quen vứt rác trực tiếp xuống sông của nhiều người dân khiến rác trôi dạt theo thủy triều sẽ rất khó khăn trong việc vớt sạch được rác.
Việc có nhiều nhà máy chế biến thủy sản hoạt động trên địa bàn không có hệ thống xử lý nước thải hiệu quả, thậm chí có nhiều cơ sở còn thải trực tiếp ra sông làm cho mức độ ô nhiễm các dòng sông ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo của thị trấn Sông Ðốc, đến nay sản lượng nuôi trồng thủy sản đã giảm gần 500 tấn so với cùng kỳ năm 2014, nguyên nhân là do dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm ở một số khóm cũng vì ô nhiễm môi trường nên đạt hiệu quả thấp so với cùng kỳ mọi năm.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn chưa có nơi xử lý rác thải mà chỉ có nơi tập kết rác thải để trung chuyển về Cà Mau xử lý. Bãi tập kết rác thải này cũng khiến nhiều người dân tại khóm 11, thị trấn Sông Đốc rất bức xúc. Chị Phạm Thị Liên cho biết: Rác được tập kết về đây khoảng 3 tháng nay khiến hàng ngày người dân chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường.
Trả lời về vấn đề này, ông Phú cho biết, bãi tập kết đã được đầu tư xây dựng hệ thống hồ lắng xử lý nước trước khi thải ra môi trường. Vị trí bãi rác cũng chỉ là tạm thời vì thị trấn không còn quỹ đất công nào để bố trí và hiện địa phương đang chờ các cơ quan chức năng triển khai thực hiện bãi rác theo quy hoạch được duyệt khi thị trấn trở thành đô thị loại 3.
Trong khi chờ đợi chính quyền địa phương có những giải pháp cụ thể thì mỗi ngày có 6-7 tấn rác thải được tập kết về vị trí gần khu dân cư. Nhiều hộ dân đã xả nước ra đường với mong muốn cải thiện tình hình, do đó rác theo nước chảy ra cửa biển khiến mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng thị trấn Sông Đốc trở thành đô thị loại 3 vào năm 2015, đồng thời xây dựng đô thị này thành khu kinh tế biển, khu kinh tế động lực về thủy sản không chỉ của tỉnh Cà Mau mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Sông Ðốc cho biết, địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng trên như: Thành lập lại hợp tác xã thu gom rác của thị trấn để hoạt động hiệu quả hơn; tiến hành rà soát, lập kế hoạch thu gom mở rộng ở phía bờ Nam; siết chặt công tác quản lý, kiểm tra các nhà máy, doanh nghiệp đã cam kết bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng công tác nâng ý thức của người dân bằng cách vận động, tuyên truyền…
Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, để sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, năm 2015 tỉnh sẽ đầu tư 5 tỷ đồng nạo vét hai cửa biển Sông Đốc và Khánh Hội nhằm khai thông dòng chảy; dùng cây gỗ, đất đá phòng chống những nơi sạt lở; quy định tàu khai thác thủy sản không được vứt rác thải xuống sông, nếu vi phạm sẽ xử lý hành chính.
Ông Ba cho biết thêm, việc xử lý ô nhiễm môi trường không phải chỉ riêng một ngành mà đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và của toàn thể cộng đồng, điều cốt lõi là ý thức của người dân về vấn đề này.