ThienNhien.Net – Thiệt hại lớn của ngành than trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua một phần do lũ lớn bất ngờ, mặt khác cũng thể hiện việc quản lý khai thác, quản lý rủi ro, tác động môi trường của ngành than phần nào đó chưa tốt.
Ngổn ngang sau lũ
Lượng mưa lớn kéo dài trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua tại Quảng Ninh đã làm cho ngành than bị tổn thất nặng nề. Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), chỉ sau 10 ngày mưa lũ, trên 10.000 tấn than tại các kho, bãi tập kết than của TKV đã bị mưa lớn rửa trôi. Toàn bộ khai trường trong các mỏ lộ thiên đều bị ngập trong bùn đất, một số mỏ hầm lò bị ngập, tê liệt sản xuất, trong đó thiệt hại lớn nhất là mỏ Mông Dương và Quang Hanh. Riêng mỏ Mông Dương, toàn bộ công trình đường lò, thiết bị cơ điện vận tải, nguyên nhiên liệu từ mức -250m trở lên bị ngập, mức -97,5m bị ngập cục bộ. Hiện công tác bơm nước cứu mỏ đang được tập trung hết sức, song dự kiến cũng phải hết tháng 10-2015 mới có vài lò trở lại hoạt động.
Các tuyến vận tải than tại hầu hết các mỏ cũng đều bị hư hỏng. Mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong (hố đã khai thác), bãi thải, vùi lấp nhiều máy xúc, máy khoan, bùn đất và nước tràn vào moong tại các mỏ lộ thiên như Than Hòn Gai, Hà Tu, Núi Béo…
Với những thiệt hại lớn, ngành than hiện đang ngổn ngang sau mưa lũ. Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV, thiệt hại ước tính của TKV tương đương 1.200 tỷ đồng, con số này chưa tính đến những thiệt hại của Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng). Thiệt hại này bao gồm các chi phí do sản xuất đình trệ (khiến lượng sản xuất và tiêu thụ than toàn Tập đoàn dự kiến giảm khoảng một triệu tấn so với chỉ tiêu đề ra), khôi phục các tuyến đường lò bị ngập, mua sắm thiết bị cơ điện hư hỏng, than trôi và sửa chữa các tuyến đường.
Đợt mưa lũ đã làm cho ngành than bị đình trệ sản xuất trong gần 1 tuần, khoảng 30.000 công nhân của các đơn vị ngành than phải nghỉ làm… Việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện cũng bị gián đoạn. Đến đầu tháng 8, mức tiêu thụ than bình quân từ đầu tháng 8 đạt 45.595 tấn/ngày, bằng 76% nhu cầu.
Như vậy, tăng trưởng của ngành than năm 2015 sẽ bị ảnh hưởng, bởi cũng theo ông Hải, tổng doanh thu Tập đoàn dự kiến còn hơn 109.000 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch đặt ra (năm 2015, TKV dự kiến đạt doanh thu 114.000 tỷ đồng). Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo TKV phải xem xét kỹ lưỡng để xây dựng các phương án phù hợp cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015-2016, trên tinh thần đẩy mạnh các lĩnh vực khác để một phần bù đắp những thiệt hại từ các mỏ than.
Bài học về đảm bảo an toàn
Để có điều kiện thuận lợi cho ngành than khắc phục sự cố do mưa lũ, lãnh đạo TKV vừa kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ giãn, giảm các loại thuế, phí, có chính sách tháo gỡ khó khăn về tiền lương và trợ cấp để giữ người lao động ở lại. Lãnh đạo TKV cũng kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai một số dự án cấp bách về môi trường, phòng chống mưa bão như cải tạo các bãi thải, nạo vét sông suối, kè đập chắn đất đá… theo cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.
Liên quan đến việc đảm bảo môi trường trong khai thác than, đợt mưa lũ vừa qua không chỉ gây thiệt hại cho ngành than mà nó còn gây ra những lo ngại về vấn đề môi trường khi có hàng chục ngàn tấn than bị cuốn trôi, kèm theo đó là các chất dầu, mỡ phục vụ cho máy móc thiết bị, chưa kể hàng núi bùn đất, xỉ than hòa lẫn trong dòng nước lũ đổ thẳng ra Vịnh Hạ Long.
Thực tế, tác động tiêu cực của trận mưa lớn vừa qua là bài học để ngành than nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, sau khi khai thác mỏ xong, đất thải phải được san gạt vào moong. Tuy nhiên, tại các điểm khai thác than của TKV, có rất nhiều bãi thải chất cao như núi. Việc gia cố các bãi thải này không lường hết được tác động của thời tiết cực đoan nên khi mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở, cuốn trôi. Theo ông Phạm Quang Tú, chuyên gia khai thác khoáng sản, về nguyên nhân chủ quan thì TKV đã không nắm bắt sát tình hình thực tiễn, không đưa ra được giải pháp lượng trù dài hơi hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan có nguy cơ xảy ra như vậy. Hoạt động khai thác than, hố than, moong mỏ, bãi đổ xỉ than, nơi lưu trữ trữ than… đều nằm trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, vấn đề là DN làm không tốt.
“Theo nguyên tắc sau khi đào đất đá lên, khai thác xong thì phải san gạt, chuyển đất vào lấp lại các hố than đã khai thác, nhưng chúng ta không làm. Do đó, khi mưa to dẫn đến hai việc: Các núi đất đá bị sạt lở, trôi xuống vùi lấp nhà cửa ruộng vườn, công trình, kỹ thuật hạ tầng và các hố khai thác không được bồi lấp kịp thời sẽ bị ngập nước, có thể gây vỡ hố khi lượng nước đọng lớn, gây ra hậu quả xấu”, ông Phạm Quang Tú cho biết. Việc hạn chế, phòng ngừa những sự cố tương tự là trách nhiệm của cả chủ đầu tư là TKV lẫn chính quyền địa phương. Trước mắt, TKV cần khẩn trương san gạt đất đá, tiến hành trồng cây tại các địa điểm này. Tới đây việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của ngành than cũng cần được làm chặt chẽ hơn theo hướng nâng cao các quy chuẩn, ông Tú khuyến cáo.
Về vấn đề này, bên cạnh việc phải phối hợp với tỉnh Quảng Ninh có giải pháp xử lý các vấn đề môi trường do khai thác than gây ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu TKV qua đợt mưa lũ này cần rà soát xem xét lập quy hoạch chi tiết các vùng khai thác than để đảm bảo tốt công tác phòng chống thiên tai. Thời gian tới, thời tiết sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, TKV nói riêng và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nói chung cần rút ra những kinh nghiệm, bài học để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
TS. Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam:
“TKV không làm quy hoạch về bãi thải, mà khi khai thác mỏ thì DN tìm chỗ (thường là thung lũng) để làm chỗ đổ thải. Họ thường chọn chỗ gần nhất và đổ được nhiều nhất, càng cao càng tốt. Có những bãi thải tại Hạ Long cao 300m, xe tải đổ thải trên đỉnh nhìn từ dưới lên chỉ bằng bao diêm. Trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói nhiều về bảo vệ môi trường trong khai thác than, nhưng không có quy chuẩn về bãi thải. Hiện nay cứ đào chỗ này đổ ra chỗ khác. Bãi không có che chắn, như ngọn núi nhân tạo, mưa gió bị trồi sụt là bình thường. Có rất nhiều vấn đề ở đây, mà như đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã đề nghị, ngành Than cần phải thay đổi phương thức đổ thải trong thời gian tới”. Ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam: “Lượng chất thải rắn với hệ số 10-12 (đào 10-12 m3 đất đá để có 1 tấn than nguyên khai) buộc phải có quỹ đất để chứa, nếu không có đủ quỹ đất thì không thể tiếp tục khai thác. Về nguyên tắc, phải tính toán bãi thải sao cho vận hành khai thác thuận lợi và phải đảm bảo an toàn, nhưng do nhiều yếu tố, do gia cố cơ học ban đầu không tốt nên bị nứt chân, sập xuống. Điều này xảy ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Việt Nam, gây tác động rủi ro lớn đến đời sống cũng như môi trường. Hậu quả sụt lở bãi thải, trôi các kho than của ngành Than như vừa rồi ngành than vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Vì nếu nhận thức được ngay từ đầu và có sự đầu tư ngay từ đầu thì hậu quả sẽ không xảy ra hoặc được giảm nhẹ”. Thu Hiền (ghi) |