ThienNhien.Net – Vào lúc 17h10’ (giờ Hà Nội) ngày 12/8, Hệ thống xử lý Trung tâm (CPF) Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) Lô 433a-416b đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của 4 giếng khai thác đầu tiên tại Algeria.
Tháp lửa của Dự án đã rực cháy trên sa mạc Sahara Cộng hòa Algeria – thành quả của 12 năm lao động, cống hiến đầy tâm huyết của nhiều thế hệ người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và những người thợ khoan PV Drilling.Dòng dầu đầu tiên từ dưới lòng đất đã được đưa lên qua giếng khai thác BRS-6bis với lưu lượng gần 2.000 thùng/ngày, phục vụ cho giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống đầu giếng, trạm thu gom và nhà máy xử lý trung tâm mỏ Bir Seba.
Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, giếng BRS-6bis cùng với 3 giếng BRS-9, BRS12, BRS14 thuộc Trạm thu gom số 1 lần lượt được mở để cung cấp dầu cho việc chạy thử hệ thống và nhà máy xử lý trung tâm.
Dầu từ lòng giếng lên bề mặt sẽ theo đường ống nội mỏ về trạm thu gom để đo thử lượng và sau đó tập trung vào tuyến ống kết nối chính dẫn về nhà máy xử lý trung tâm. Ở đây dầu sẽ được xử lý để đạt chuẩn dầu thương phẩm.
Trong các tuần tới đây, nhà điều hành GBRS sẽ tiếp tục triển khai căn chỉnh toàn hệ thống và lần lượt mở các giếng tiếp theo để nâng dần công suất khai thác của mỏ lên mức 20.000 thùng dầu/ngày theo đúng kế hoạch giai đoạn I.
Sản lượng của mỏ Bir Seba sẽ được nâng lên 40.000 thùng dầu/ngày dự kiến từ năm 2019, sau khi triển khai hệ thống khai thác giai đoạn II.
Dự án thăm dò khai thác dầu khí Lô 433a & 416b do PVEP liên doanh cùng các đối tác là SONATRACH (Algeria), PTTEP (Thái Lan) với quyền lợi tham gia lần lượt là 40%, 25% và 35%.
Đây là dự án thành công đầu tiên của PVEP cũng như của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại nước ngoài, từ khâu đầu tiên là tham gia đấu thầu quốc tế, tới khâu thăm dò do đội ngũ nhân sự PVEP trực tiếp điều hành.
Để điều hành giai đoạn phát triển khai thác, các bên trong liên doanh đã thành lập Công ty Điều hành chung Groupment Bir Seba (GBRS) theo quy định của Hợp đồng phân chia sản phẩm.