ThienNhien.Net – Mặc dù ngành chức năng đã chính thức ban hành thông tư về việc bãi bỏ 14 khoản phí, lệ phí thú y, song theo rà soát của Bộ Tài chính, hiện vẫn đang còn phải đóng gần 1.000 các loại phí, lệ phí khác mà nông dân phải đóng.
Oằn lưng vì phí
So với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nông dân Huỳnh Văn Sơn (ngụ ấp 1, xã Tân Đông, Thạnh Hóa, Long An) cho biết, ngành trồng trọt có phần ít các phí, lệ phí hơn. Ông Sơn cho rằng, nếu muốn nuôi một con gà từ gà con đến khi xuất chuồng, nông dân phải đóng trên 20 khoản phí, trong khi đó, để canh tác, sản xuất lúa, mỗi năm bà con nông dân khu vực Thạnh Hóa phải đóng thêm phí bảo vệ đê điều và một khoản phí để chăm sóc sức khỏe người nông dân.“Phí bảo vệ đê điều thì được cán bộ giải thích là để nạo vét kênh mương, hạn chế sạt lở mùa lũ. Thế nhưng, đóng phí bao nhiêu năm rồi, tôi chưa thấy đê điều trong khu vực được nạo vét lần nào cả”- ông Sơn giải thích.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, ông cùng bà con nuôi cá trong vùng vừa nhận giấy báo đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, trị giá 1,5 triệu đồng/hộ. “Trong giấy báo thu phí, cán bộ địa phương cho rằng, đây là khoản phí thu theo Nghị định 25 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, nhưng các hộ cá nhân nuôi cá vẫn phải đóng. Có hộ vừa là hộ nuôi cá thể, vừa là thành viên Hợp tác xã Thới An thậm chí còn phải đóng đến 2 lần”- ông Hải ngán ngẩm nói. Theo ông Hải, giá bán cá tra lâu nay luôn thấp hơn giá thành mà giờ thu phí nhiều vậy, chúng tôi ai cũng thắc mắc nhưng chưa biết hỏi ai. Nếu là nước thải công nghiệp thì những cơ sở lớn, nhà máy chế biến thủy sản… mới phải đóng, tại sao hộ nuôi có vài tấn cá vẫn phải đóng?
Ngay bản thân các doanh nghiệp thủy sản cũng chịu nhiều khoản phí khác nhau. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, để kiểm tra một container hàng thuỷ sản xuất khẩu theo Thông tư 48 có hiệu lực từ 26.12.1013 có khi lên tới 40 – 50 triệu đồng, nếu doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản mỗi năm từ 100 triệu USD trở lên cũng phải chi phí cho kiểm nghiệm theo thông tư này lên tới 5- 7 tỷ đồng.
Ông Trương Đình Hoè – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, chính ông cũng bất ngờ khi nghe thông tin của Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội công bố là ngành thuỷ sản vẫn còn tới 182 khoản phí. “Có lẽ các khoản phí này còn có cả ở lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến chứ không chỉ riêng lĩnh vực xuất khẩu của thuỷ sản”- ông Hoè nói.
Loạn phí kiểm dịch
Việc thu phí ở ngành chăn nuôi thậm chí còn nặng nề hơn, ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước cho rằng, việc thu phí, lệ phí sẽ hợp lý hơn nếu các khoản thu, chi được công khai, minh bạch và rõ ràng. Theo ông Ngọc, trong ngành chăn nuôi, thú y hiện có quá nhiều khoản phí không cần thiết, ví dụ như phí kiểm dịch. Loại phí này được thu lặp đi lặp lại nhiều lần trong vòng đời một con gà, từ kiểm dịch gà bố mẹ, đẻ ra trứng, nở ra gà con, kiểm dịch khi lưu thông trên thị trường, khi nông dân mua về nuôi, trước và sau khi xuất chuồng rồi lại thu phí thêm vài lần nữa trước và sau khi giết mổ…
“Điều bất hợp lý là cán bộ thú y thu phí kiểm dịch nhưng công tác kiểm dịch thì chỉ thực hiện bằng trực quan, cảm quan đơn giản, không đảm bảo rằng thịt, trứng đưa ra thị trường là được kiểm dịch chắc chắn. Do đó, nếu thu phí mà làm tốt được công tác kiểm dịch, không để dịch bệnh lây lan, đảm bảo cho người tiêu dùng sản phẩm tốt thì người chăn nuôi chúng tôi cũng chấp nhận. Còn ngược lại, thì đừng thu phí, vì chỉ làm nặng gánh nông dân thôi”- ông Ngọc nói.
TS Trần Duy Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho biết, ngành chăn nuôi đang phải chịu sức ép khi bước vào hội nhập là rất lớn nên rất cần giảm thiểu tối đa các khoản phí, lệ phí không cần thiết để góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho người dân và doanh nghiệp. Ông Khanh cũng cho rằng, việc Quốc hội kiểm soát chặt các khoản phí, không thể để cho các bộ, ngành “đẻ” ra nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý “đè nén” lên người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết. Dù các bộ, ngành đã rất quyết liệt trong thời gian qua và đã giảm được một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y nhưng nếu rà soát lại thì chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều khoản phí chồng chéo lên nhau. Thậm chí, có nhiều khoản phí, lệ phí nếu đi thu cũng không đủ bù chi cho chi phí đội ngũ cán bộ đang đi thu các loại phí, lệ phí này.
“Theo tôi, trước mắt là phải dừng toàn bộ các khoản phí, lệ phí thú y để chờ luật phí, lệ phí ra đời sẽ có hướng dẫn cụ thể mới tiếp tục thu các khoản phí này. Ngoài mất tiền chi phí cho phí, lệ phí người dân và doanh nghiệp còn mất thời gian cho các thủ tục hành chính sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm”- ông Khanh đề xuất.
Nông dân Nguyễn Ngọc Hải:
“Giá bán cá tra lâu nay luôn thấp hơn giá thành mà giờ thu phí nhiều vậy, chúng tôi ai cũng thắc mắc nhưng chưa biết hỏi ai. Nếu là nước thải công nghiệp thì những cơ sở lớn, nhà máy chế biến thủy sản… mới phải đóng, tại sao hộ nuôi có vài tấn cá vẫn phải đóng?”. TS Trần Duy Khanh: “Theo tôi, trước mắt là phải dừng toàn bộ các khoản phí, lệ phí thú y để chờ luật phí, lệ phí ra đời sẽ có hướng dẫn cụ thể mới tiếp tục thu các khoản phí này. Cứ đi “đếm từng con gà để thu phí và lệ phí là không hợp lý”. |