ThienNhien.Net – Vấn nạn “cát tặc” diễn ra trên sông Sài Gòn theo chiều hướng ngày càng phức tạp, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ sinh thái và nghiêm trọng nhất là gây ra tình trạng sạt lở liên miên hai bên bờ sông, cuốn trôi hàng ngàn mét đất, ruộng vườn nhà cửa của người dân ven bờ…
Bất chấp lệnh cấm
Khu vực huyện Củ Chi (TP HCM) năm nào cũng xuất hiện các điểm sạt lở ven sông Sài Gòn mà nguyên nhân chính là do việc hút cát ở lòng sông. Năm nay dù mới đầu mùa mưa nhưng theo khảo sát của Sở GTVT thì tại Củ Chi đã có hàng chục điểm sạt lở trong tình trạng nguy hiểm. Cá biệt có điểm sạt lở kéo dài cả… cây số gây khiến nhiều người hoang mang vô cùng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc sông Sài Gòn địa bàn huyện Củ Chi hiện nay có rất nhiều vựa cát, một trong những loại khoáng sản quý giá, phục vụ công tác xây dựng dân dụng nhưng công tác quản lý rất lỏng lẻo.
Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khai thác loại khoáng sản này phải có sự cấp phép của nhiều cơ quan, trong đó có những đánh giá về tác động môi trường.
Riêng ở khu vực sông Sài Gòn, do tính chất đặc biệt quan trọng của môi trường nước sông nên từ năm 1998, Chính phủ đã có quyết định ngừng tất cả các hoạt động khai thác cát ở đây. Nghĩa là, tất cả những ghe, thuyền sà lan đang hút cát trên khu vực sông Sài Gòn đều không được cấp phép, và nơi đây đang khai thác tài nguyên một cách bất chính, thu lợi riêng.
Lý giải vì sao dù đã có lệnh cấm nhưng nhiều ghe thuyền vẫn bất chấp để tiến hành hút cát, anh Hải một người dân ở xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) cho biết, việc hút cát đem lại lợi nhuận cực lớn. So với việc đưa cát từ miền Tây lên thì cát lấy ở sông Sài Gòn rẻ bằng một nửa, do không phải vận chuyển đi xa, mà chất lượng có khi còn tốt hơn. Hơn nữa, do nhu cầu xây dựng ở TP Hồ Chí Minh là quá lớn nên hầu hết lượng cát khi được khai thác đều bán hết ngay khiến nhiều kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp lệnh cấm.
Theo tìm hiểu, hiện nay cát có giá bán khoảng 50-55 ngàn đồng/khối tại bến. Nếu một ghe có trang bị máy hút cỡ lớn, một đêm có thể hút được khoảng vài chục khối, kiếm 2-3 triệu đồng mà không phải mất tiền đầu tư. Nghĩa là, cứ hút được cát lên là…có tiền. Chính vì nguồn lợi mang lại dễ dàng nên quanh khu vực các xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây… luôn có hàng chục ghe, thuyền làm nghề hút cát, hoạt động liên tục, công khai, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ vào nguồn tài nguyên là các mỏ cát tự nhiên trên sông Sài Gòn.
Theo ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Củ Chi) thì tình trạng khai thác cát ở khu vực sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phương đã diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không có đủ phương tiện để truy bắt, kiểm soát.
Nguyên nhân là các ghe hút cát hoạt động ban đêm, các ngày nghỉ lại thường xuyên di chuyển, không cố định. Nếu phát hiện có cơ quan chức năng truy đuổi, các ghe này lập tức di chuyển qua địa phương khác, gây khó khăn cho việc lập biên bản, xử lý.
Bà Huỳnh Thị Vang – Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi cũng thừa nhận, mặc dù địa phương đã chi ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm để phục vụ việc truy bắt, kiểm tra các ghe hút cát trên sông nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi.
Theo đó, nhiều lúc ghe hút cát hoạt động thì có các ghe nhỏ cảnh giới trên sông, thấy ghe kiểm tra chuẩn bị tới là họ đánh động để di chuyển đi nơi khác. Nghiêm trọng và tinh vi hơn, nhiều khi bắt giữ được các ghe này cũng chỉ xử lý hành chính vì họ vứt ống hút, máy hút xuống lòng sông, biến ghe hút cát thành ghe…chở cát không phép nên chỉ bị lập biên bản vi phạm vận chuyển đường thủy.
Lỗ hổng quản lý
Mặc dù đã có lệnh đình chỉ các hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Sài Gòn từ lâu nhưng tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp vẫn được chính quyền cấp phép cho…nạo vét luồng, lạch để khơi thông các hoạt động đường thủy trên sông Sài Gòn. Và, đây chính là lỗ hổng khiến nhiều DN lợi dụng để hút cát trái phép.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cho phép hàng chục cơ sở buôn bán vận chuyển khoáng sản cát trên địa bàn hoạt động ngay ven bờ sông Sài Gòn cũng là hình thức “tiếp tay” cho các ghe hút cát lậu hoạt động công khai hơn. Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm cũng không thay đổi cách ngăn chặn tình trạng hút bằng việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các vựa buôn bán cát. Thực tế hầu hết các ghe cát lậu đều bán cát cho những vựa ở trong khu vực hoạt động.
Theo khảo sát của chúng tôi, dọc Tỉnh lộ 15 đi qua các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng hiện nay có hàng chục vựa cát luôn nhộn nhịp hoạt động với phương tiện xe tải chở cát ra vào tấp nập. Câu hỏi đặt ra là cát ở đâu mà các vựa này cứ buôn bán suốt ngày đêm nhưng chính quyền địa phương lại không hay biết, trong khi theo quy định thì việc cấp phép khai thác, vận chuyển loại khoáng sản này hết sức chặt chẽ?
Có thể nói, việc khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn diễn ra trong nhiều năm, công khai và rất dễ phát hiện nhưng lại rất khó ngăn chặn, đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Trần Thế Kỷ – Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu không chặn đứng được nạn hút cát trái phép, mỗi năm thành phố lại có thể phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng để xây dựng những công trình chống sạt lở nhưng không hiệu quả.