ThienNhien.Net – Dù người dân đã phản đối yêu cầu không được chặt hạ rừng phi lao gần trăm tuổi ven biển ở xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nuôi tôm, cá nhưng phía Công ty Grobest vẫn tiến hành đốn hạ để triển khai dự án. Sự việc khiến dư luận địa phương rất bức xúc, hoang mang, lo ngại khi mùa mưa bão về nhà cửa, tính mạng không biết sẽ ra sao. Đại diện chi bộ thôn nơi rừng bị đốn hạ cho biết đã gửi đơn “kêu cứu” ra Trung ương.
Kịch liệt phản đối
Như Báo Lao Động đã phản ánh trước đó, những ngày giữa tháng 7 vừa qua, rừng phi lao ven biển ở bãi Cửa Ngâm thuộc thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam đã bị Công ty Grobest (trụ sở TPHCM) chặt hạ, khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Thời điểm chặt hạ, theo ông Đặng Đình Dích – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam, rất nhiều người dân ra ngăn cản.
Đại diện UBND xã Kỳ Nam cũng ra đình chỉ dừng ngay việc chặt hạ rừng phi lao vì phía Công ty Grobest đã chặt vi phạm vào hành lang 30m có rừng phi lao mà trước đó xã đã yêu cầu. Theo ông Bùi Văn Chuổng – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, sau khi đình chỉ, xã đã kiểm điểm và thống kê có gần 300 gốc phi lao bị chặt hạ.
Vài tuần sau khi rừng phi lao bị chặt hạ, PV Báo Lao Động quay trở lại hiện trường mà trước đó Công ty Grobest đã đốn hạ rừng phi lao, lúc này số cây phi lao nằm phía ngoài chắn sóng còn rất ít. Theo một người dân, sau thời điểm mà PV tiếp cận, rừng phi lao đó vẫn tiếp tục bị chặt.
Ông Nguyễn Mạnh Mầng – Trưởng thôn Minh Huệ – cho biết, rừng phi lao ven biển ở bãi Cửa Ngâm được thế hệ ông cha trồng hơn 100 năm trước. Rừng có vai trò như một tấm áo giáp che chắn sóng biển, gió, bão để bảo vệ cho không chỉ người dân thôn Minh Huệ mà cả toàn dân xã Kỳ Nam. Thời chiến, rừng là nơi dân quân, bộ đội mai phục, trú ẩn để chiến đấu ngoan cường chống địch.
Theo ông Mầng, trước khi chặt phá rừng phi lao, tháng 6.2015, đại diện thị xã Kỳ Anh có cuộc làm việc với xã Kỳ Nam để thông tin về việc Công ty Grobest triển khai dự án nuôi tôm trên địa bàn xã. Khi đó tất cả 6 trưởng thôn trong xã đều phản đối việc chặt rừng phi lao nuôi tôm. Thế nhưng, vừa qua phía Công ty Grobest vẫn đốn hạ rừng phi lao đó khiến người dân và đại diện chi bộ thôn rất bức xúc.
“Đảng nhà nước cứ kêu gọi trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường. Thế mà ở đây họ cho tàn phá rừng để nuôi tôm. Cái này chúng tôi rất xót xa. Phá hoại rừng này, chúng tôi không thể chấp nhận được” – ông Mầng bức xúc.
Làm rõ ai đã đốn hạ thêm
Về vấn đề rừng phi lao bị đốn hạ thêm, sau thời điểm UBND xã Kỳ Nam đình chỉ Công ty Grobest đã chặt lấn vào phạm vi 30m có cây tính từ hành lang chắn sóng vào, ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết, hiện Công an xã đang xác minh xem người dân hay người của Công ty Grobest đã đốn hạ để xử lý.
Chiều ngày 9.8, ông Trần Xuân Phượng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh – cũng xác nhận có việc đổ lỗi cho nhau giữa người dân và người của Công ty Grobest trong việc chặt hạ thêm cây phi lao ở xã Kỳ Nam. Sự việc hiện đang giao xác minh, làm rõ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Mầng – Trưởng thôn Minh Huệ khẳng định không có việc người dân chặt cây phi lao ven biển. “Tôi khẳng định người dân sẽ không bao giờ chặt”, ông Mầng nói. Cũng theo ông Mầng, hiện Chi bộ thôn Minh Huệ đã gửi đơn “kêu cứu” lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư về việc rừng phi lao ven biển của thôn bị chặt hạ để cho doanh nghiệp thực hiện dự án nuôi tôm, cá.