Khung Môi trường và Xã hội mới của WB nới lỏng các chính sách an toàn

ThienNhien.Net – Ngân hàng Thế giới công bố dự thảo lần 3 Khung Môi trường và xã hội mới cho các dự án do Ngân hàng tài trợ vào ngày 4/8 vừa qua. Tuy nhiên, dự thảo Khung mới này WB vẫn vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức nhân quyền.

Trong một tuyên bố chung, 19 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có cả Tổ chức Oxfam và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Mỹ, cho rằng dự thảo Khung mới của WB hạn chế công tác bảo vệ môi trường và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án WB đầu tư. Theo Khung mới, WB được cho là tạo điều kiện tài trợ cho những dự án mang nhiều rủi ro cho các nước đang gặp khó khăn về kinh tế; và trao quá nhiều quyên hạn cho chính phủ nước sở tại.

Phía Ngân hàng phản biện rằng đây là bản dự thảo lần ba. Những quy định mới chỉ có hiệu lực sau khi tham vấn ý kiến của công chúng và các bên liên quan. Sau đó mới là cuộc bỏ phiếu thông qua bởi Ban điều hành Nhóm Ngân hàng. Quá trình này có thể mất vài tháng, thậm chí là sang đầu năm sau.

Khung Môi trường và Xã hội mới đã bị chỉ trích ngay từ bản dự thảo đầu tiên. Bản dự thảo lần 3 này được cho rằng có nhiều cải tiến hơn so với phiên bản trước đó, tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được những tồn tại trong các tiêu chuẩn hiện hành.

Một cuộc biểu tình của người dân (Ảnh: International Accountability Project)
Một cuộc biểu tình của người dân (Ảnh: International Accountability Project)

Đầu tháng 6 vừa qua, ngay trước khi WB công bố bản dự thảo lần hai và trước cuộc họp xem xét dự thảo của Ủy ban Hiệu quả Phát triển (CODE) của WB, 17 tổ chức xã hội dân sự (CSOs) cũng gửi một bức thư đề nghị các thành viên Ủy ban này thận trọng xem xét lại bản dự thảo,và cho rằng Khung mới này là một bước lùi nguy hiểm đối môi trường và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án. Các tổ chức cũng khẳng định dự thảo Khung thất bại trong việc đảm bảo hài hòa các chuẩn mực môi trường và xã hội của các định chế song phương và đa phương khác. Trong thư, các tổ chức còn thể hiện sự thất vọng đối với quá trình lấy ý kiến tham vấn cho dự thảo do nhiều ý kiến từ phía xã hội dân sự không được Ngân hàng ghi nhận một cách đúng đắn và đầy đủ.

Hồi cuối tháng 5, một lá thư khác có chữ ký của 48 tổ chức phi chính phủ cũng được gửi tới nhóm biên soạn Khung Môi trường và Xã hội, trong đó kêu gọi Ngân hàng xây dựng một kế hoạch tham vấn hoàn thiện hơn nhằm đảm bảo các ý kiến đầu vào có ý nghĩa cho bản dự thảo. Các tổ chức này cho rằng việc Ngân hàng chủ yếu thu thập ý kiến phản hồi qua website trong thời gian 2 tháng là chưa đủ và đề xuất Ngân hàng chi một ngân sách thích đáng trong thời gian tối thiểu 6 tháng để các bên liên quan xem xét, đưa ra những đóng góp có ý nghĩa cho bản dự thảo.