Giải pháp nào khi vốn ODA giảm dần?

ThienNhien.Net – Các chuyên gia, các nhà kinh tế đã tập trung thảo luận việc làm thế nào để sử dụng vốn ODA hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Nhìn lại 20 năm nguồn vốn ODA vào Việt Nam.

Ngày 7/8, vấn đề sử dụng vốn ODA thế nào cho hiệu quả đã được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý tập trung phân tích, thảo luận tại Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam – 20 năm nhìn lại” tại Đà Nẵng.

Ông Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thế Phong/Chinhphu.vn)
Ông Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thế Phong/Chinhphu.vn)

Cần có chính sách để đa dạng hóa nguồn vốn

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là  thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa, khi Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước.

Mặt khác, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đang có những điều chỉnh về chính sách trước những thay đổi về cơ cấu nguồn vốn viện trợ, phương thức hợp tác phát triển và chính sách viện trợ đang đặt ra nhiều thách thức trong việc nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới.

Ông Cao Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết sự thay đổi đầu tiên về chính sách viện trợ của các nhà tài trợ đối với Việt Nam dễ nhận thấy là quy mô vốn ODA ưu đãi, bao gồm viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi sẽ giảm dần. Trên thực tế, sau khi đạt đỉnh vào năm 2009, cam kết vốn ODA cho Việt Nam bắt đầu xu hướng giảm dần.

Trong bối cảnh đó, theo ông Cao Mạnh Cường, cần đề xuất Chính phủ có những định hướng chiến lược, quan điểm và giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng ODA của Việt Nam cho giai đoạn tới.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng thời gian tới cần tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA cho các dự án phát triển kinh tế xã hội có khả năng tự hoàn vốn nhanh; ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.

Ông Trần Bắc Hà cũng đề xuất xem xét đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng thông qua các hình thức: Thu hút các nguồn lực của xã hội để bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thông qua việc cho phép các thành phần kinh tế (Nhà nước và tư nhân) tham gia đầu tư cho các dự án dưới hình thức BOT, BT, PPP, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước…

Việc quản lý, sử dụng ODA tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Việc quản lý, sử dụng ODA tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Sử dụng ODA như nguồn vốn “mồi”

TS. Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho rằng sử dụng vốn ODA cần gắn với khả năng tạo nguồn thu để trả nợ, những dự án nào xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng thì từ chối. Khi nguồn vốn ODA giảm, chúng ta cần đổi mới phương thức sử dụng ODA, có thể tăng mạnh sử dụng ODA như nguồn vốn mồi để thực hiện các dự án theo phương thức PPP.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch cho rằng nếu Chính phủ đầu tư thì chắc chắn rẻ hơn dùng vốn ODA. Như vậy chúng ta phải cân đối lại, đặc biệt là khi ODA khắt khe hơn, chúng ta cần xem ODA như là vốn “mồi” và có vốn đối ứng trong nước, đồng thời gắn ODA với việc phát triển thị trường vốn dài hạn trong nước chứ đừng xem ODA như là thứ được ban phát, rồi chia nhau đầu tư.

“Khi vay ODA cần lưu ý biến động tỉ giá. Xu hướng của Việt Nam là không để đồng nội tệ tăng giá để khuyến khích xuất khẩu, đồng nghĩa việc rủi ro về tỉ giá rất lớn. Đơn cử nếu vay bằng đồng yen lãi suất thấp nhưng khi đồng yen tăng giá, giá trị phải trả nhiều hơn thì nợ tiền đồng Việt Nam sẽ tăng cao. Do vậy cần điều chỉnh phù hợp để giảm rủi ro về mặt tỉ giá cho giai đoạn sau”, TS. Trần Du Lịch cho hay.

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên nguồn vốn ODA mới cho những nhu cầu về khí hậu, nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, những vùng tác động mạnh của biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ODA của Việt Nam theo hướng hài hòa với qui trình và thủ tục của nhà tài trợ.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho rằng phải luôn đảm bảo đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA để đạt tỉ lệ giải ngân cao nhất và nhanh nhất. Đây là điều rất cấp thiết nhằm tạo sự tin cậy với các nhà tài trợ.