ThienNhien.Net – Dù không quyết liệt truy đuổi, để lâm tặc cướp gỗ lậu nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho rằng đã làm hết trách nhiệm.
Liên quan đến vụ lâm tặc cướp gỗ trước mặt hàng chục kiểm lâm viên, công an địa phương xảy ra đêm 29-7 tại khu vực sông Tranh (thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam; Báo Người Lao Động đã liên tục phản ánh), Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đang điều tra, làm rõ có hay không việc bảo kê cho lâm tặc của các cơ quan chức năng huyện Hiệp Đức.
Ngày 4-8, ông Đặng Văn Tiến, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức, xác nhận hạt cũng đang khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc này.
Địa điểm xảy ra vụ cướp gỗ thuộc khu vực bến Én, thôn 4, xã Hiệp Hòa – nơi giao nhau giữa sông Đắk Mi và sông Tranh đổ từ thượng nguồn về, nối với dòng Thu Bồn chảy thẳng ra biển. Theo người dân địa phương, cứ tầm 15 giờ, các thủy điện bắt đầu xả nước thì nước sông Tranh dâng lên, lòng sông tại khu vực bến Én nới rộng khoảng 200 m, thuận tiện cho lâm tặc đưa gỗ vào bờ. “Nếu lực lượng chức năng quyết liệt hơn, sớm điều động các phương tiện hỗ trợ thì không thể xảy ra chuyện lâm tặc liều lĩnh cướp gỗ” – một người dân nhận xét.
Tuy nhiên, ông Đặng Văn Tiến cho rằng đây không phải là điểm tập kết gỗ thường xuyên của lâm tặc. Chỉ khi điểm tập kết ở phía dưới (xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) có lực lượng chốt chặn thì lâm tặc mới đưa gỗ vào đây. Về việc để lâm tặc cướp gỗ, ông Tiến giải thích là do đêm tối, trời mưa và vì thủy điện xả nước quá lớn, trong khi lực lượng chức năng không có phương tiện nên đành chịu. “Tôi khẳng định rằng không hề có chuyện bảo kê cho lâm tặc gì cả” – ông Tiến dứt khoát.
Chúng tôi đặt vấn đề: “Với vai trò của cơ quan quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức có làm hết trách nhiệm của mình?”. Ông Tiến cho rằng do nguyên nhân khách quan nên mới xảy ra sự việc, còn riêng các lực lượng chức năng đã làm hết trách nhiệm. Dù vậy, ông Tiến cũng nói thêm: “Khi thủy điện xả nước xuống, sông nước rộng mênh mông thì thử hỏi có ai dám chèo thuyền qua sông không? Lỡ chết người thì ai chịu trách nhiệm?”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Phục – cán bộ Công an huyện Hiệp Đức, người trực tiếp được cử đến hiện trường – cho biết công an huyện chỉ được phân công nhiệm vụ bảo vệ gỗ ở bên này bờ sông. Với phía bờ bên kia sông, ông cũng chỉ nghe công an tỉnh nói lại là có gỗ. Ông Phục khẳng định rằng không hề có chuyện tiêu cực…