ThienNhien.Net – Đã có hàng trăm cây thông 30 năm tuổi ở tiểu khu 499 (huyện Đắk Đoa) và 501 (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang) bị khoét gốc (ken cây). Cây chết đến đâu, người dân “khoanh vùng” chiếm đất để trồng tiêu đến đó.
Tại hai tiểu khu trên, những cây thông to lớn lần lượt bị khoét vỏ, nhựa ứa chảy từng dòng. Để cây nhanh chết, người dân dùng dao, rựa phạt phân nửa gốc, sau đó, đốt cháy đen sì. Trường hợp cây chưa chết, người dân ngang nhiên chặt hẳn hòng chiếm đất… được nhanh. Nhìn từ xa, loang lổ những khoảnh rừng khô héo, cháy vàng, thi thoảng xuất hiện những khoảnh trơ trọi gốc thông vừa đốn hạ.
“Người ta vạt gốc, rồi đốt tự khắc cây xì mủ chết và cứ thế… lấn đất” – anh Nguyên Thiệp (SN 1962, trú xã Đắk Djrăng), nói.
Ban đầu các hộ dân trồng chanh dây để chiếm đất, nếu cơ quan chức năng phát hiện thì nhổ bỏ, bởi chi phí ít. Khi chính quyền bị “qua mặt”, mới tiến hành trồng trụ tiêu thay gốc thông bị san phẳng trước đó.
Trước những hình ảnh mà PV Báo Lao Động cung cấp, GĐ Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai Trương Phước Anh khẳng định, vết ken cây là mới. Đồng thời cho rằng các ban, ngành liên quan cần phải kiểm tra, làm rõ.
Hiện tượng ken cây đã diễn ra từ nhiều năm nay, dai dẳng và phức tạp. Năm 2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã phải ra văn bản số 001/CCKL-TCXDLL yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang vì để xảy ra tình trạng phá rừng thông, lấn chiếm đất.