ThienNhien.Net – Các nhà khoa học của NASA vừa xác nhận được sự tồn tại của hành tinh mang tên HD-219134b, nằm cách Trái đất khoảng 21 năm ánh sáng, gần Trái đất hơn rất nhiều so với khoảng cách 1.400 năm ánh sáng từ Trái đất đến hành tinh Kepler-452b đã tìm thấy trước đó.
Nếu Kepler-452b có thể được coi là “người anh em song sinh” của Trái đất thì hành tinh mới được phát hiện, HD-219134b chỉ được gọi là một “người anh em họ gần”. Nó là một hành tinh đá, nghĩa là kiểu hành tinh giống Trái đất, được tạo thành với bề mặt cứng trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và kim loại.
Dù giống Trái đất hơn cả Kepler-425b, HD-219134b lại nằm quá gần ngôi sao của mình nên bề mặt của hành tinh này rất nóng.
Hành tinh HD-219134b không thể nhìn trực tiếp ngay cả khi sử dụng kính thiên văn từ Trái đất, tuy nhiên, ngôi sao của hành tinh này có thể dễ dàng được nhìn thấy bằng mắt thường và nằm ở chòm sao Thiên Hậu gần sao Bắc Cực.
Khoảng cách từ hành tinh HD-219134b đến Trái đất được cho là sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà khoa học muốn nghiên cứu về hành tinh này bằng kính thiên văn vũ trụ.
Những quan sát ban đầu cho thấy HD-219134b nặng hơn Trái đất khoảng 4,5 lần, to hơn trái đất khoảng 1,6 lần và chỉ mất có 3 ngày để quay quanh ngôi sao của mình. Ngoài ra, hành tinh này được cho là có bề mặt lởm chởm đất đá như Trái đất, nhưng lại không có băng và khí gas.
Hành tinh này được coi là vật thể được quan sát một cách hoàn hảo từ kính thiên văn James Webb, dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2018.
Kính thiên văn vũ trụ James Webb là loại kính thiên văn nổi bật trong số các kính thiên văn vũ trụ thế hệ mới nhất hiện nay và được cho là sẽ thay thế kính thiên văn vũ trụ Hubble. Kính thiên văn vũ trụ James Webb có khả năng quan sát các hành tinh và các vật thể nằm rất xa Trái đất với độ chi tiết chưa từng có từ trước đến nay.