ThienNhien.Net – Lâm tặc phá rừng và vận chuyển gỗ bằng đường sông có chiều hướng ngày càng phức tạp tại tỉnh Quảng Nam.
Đêm 29-7, hàng chục “lâm tặc” ngang nhiên dùng thuyền máy cướp gỗ lậu tập kết ở sông Tranh (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) trước sự bất lực của hàng chục kiểm lâm.
Lợi dụng thủy điện xả lũ để vận chuyển gỗ lậu
Ngày 3-8, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chỉ đạo tập trung lực lượng kiểm lâm ở các hạt để truy tìm, xác định nguồn gốc hơn 40 phách gỗ vừa trục vớt được tại khu vực sông Tranh. “Sau khi truy tìm nguồn gốc cũng như số lượng gỗ bị cướp, nếu đủ các yếu tố thì chúng tôi sẽ khởi tố vụ án” – ông Tuấn nói.
Trước đó, trưa 29-7, qua nguồn tin người dân trình báo, Phòng An ninh Kinh tế – Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện một khối lượng lớn gỗ dưới lòng sông Tranh. Sau khi phát hiện sự việc, các lực lượng chức năng như Công an, Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức… với khoảng hơn 40 người đã có mặt tại hiện trường bảo vệ tang vật và bàn phương án trục vớt gỗ. Tuy nhiên, hàng chục khối gỗ dưới lòng sông vẫn không được đưa lên bờ do không có phương tiện và nhân công.
Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, lợi dụng đêm tối, khoảng 20 lâm tặc đã dùng 5 thuyền máy tẩu tán số gỗ trên khỏi điểm tập kết trước sự bất lực của lực lượng chức năng.
Sáng 30-7, lực lượng chức năng mới vớt được hơn 40 phách gỗ còn lại với khối lượng 7,3 m3. Ước tính, số gỗ bị cướp đi nhiều gấp 4 lần số gỗ vớt được. “Thấy lâm tặc tẩu tán gỗ nhưng chúng tôi không thể làm gì vì không có phương tiện, thuê thuyền thì người dân không cho vì sợ bị trả thù. Thậm chí, lâm tặc còn chế các bàn chông bằng đinh bỏ dọc đường để ngăn cản chúng tôi dùng ô tô truy đuổi” – một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức phân trần.
Theo ngành chức năng, gỗ thu được chủ yếu là chò, chua…, nhiều khả năng có nguồn gốc từ phía thượng nguồn thủy điện Đắk Mi (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Sau khi khai thác, tập kết, cất giấu gỗ trong rừng, lâm tặc đã chờ thủy điện xả lũ để dùng thuyền máy hoặc bè chở gỗ về xuôi.
Rất bất thường!
Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng An ninh kinh tế – Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết đã bàn giao toàn bộ hồ sơ và số gỗ thu được cho Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức thụ lý. Theo ông Hùng, sự việc lâm tặc cướp gỗ vừa qua có quá nhiều điều bất thường. Hiện tại, cơ quan này đang vào cuộc điều tra có hay không hành vi bảo kê cho lâm tặc của các ngành chức năng huyện Hiệp Đức. “Muốn đưa số gỗ này lên bờ thì phải có ca nô, ghe hoặc thuyền máy nhưng các đơn vị của huyện Hiệp Đức tỏ ra rất chần chừ. Hơn nữa, đêm tối, lâm tặc tẩu tán khối lượng lớn gỗ nên chắc chắn không thể mang đi xa được và việc tìm kiếm không phải khó khăn như kiểm lâm huyện Hiệp Đức nói” – đại tá Hùng nhận định.
Về việc này, trả lời báo chí trước đó, ông Đặng Văn Tiến, Phó Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức, cho biết cả công an và hạt kiểm lâm huyện đều không có phương tiện đường thủy. “Chỉ dân địa phương có ghe nhưng chưa hẳn số ghe này có giấy phép, nếu mượn được cũng không biết lấy ai mà điều khiển để ra vớt gỗ” – ông Tiến nói và khẳng định không hề có tiêu cực trong việc này.
Trong khi đó, đến chiều 3-8, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, lại cho biết chưa nghe vụ lâm tặc cướp gỗ. Ông khẳng định công an huyện có ca nô và đã nghe báo cáo lại việc bảo vệ hiện trường sau khi phát hiện số lượng gỗ lớn trên sông Tranh là “rất tốt”, rất “chặt chẽ”.
Theo ông Phan Tuấn, ngoài việc truy tìm nguồn gốc số gỗ vừa phát hiện, lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tập trung lực lượng truy quét lâm tặc trước mùa mưa bão. Hiện tình trạng vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông có chiều hướng phức tạp hơn, đặc biệt là khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã khởi tố ít nhất 17 vụ liên quan đến phá rừng, tịch thu gần 1.000 m3 gỗ các loại…
Xử lý mạnh tay những cán bộ kiểm lâm tắc trách
Khẩn trương điều tra vụ phá rừng thông giáp ranh Ninh Thuận – Lâm Đồng Hơn 10 cán bộ kiểm lâm, trong đó có cả lãnh đạo các đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận, đã bị kỷ luật với các hình thức: buộc thôi việc, cách chức, đình chỉ công tác, cảnh cáo, khiển trách. Những cán bộ kiểm lâm này đã không làm tròn trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, thậm chí có người còn “bắt tay” với lâm tặc vận chuyển gỗ lậu. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 3-8, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã đình chỉ công tác 4 cán bộ kiểm lâm, gồm: Nguyễn Văn Cường và Phạm Xuân Hòa (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha, huyện Ninh Sơn), Phạm Ngọc Sơn và Nguyễn Văn Năng (Trạm Kiểm soát lâm sản Phước Sơn, huyện Ninh Phước) để làm rõ các sai phạm khi thi hành công vụ. Theo đó, giữa tháng 7-2015, hai ông Cường, Hòa được giao nhiệm vụ tại Trạm Bảo vệ rừng Krông Pha nhưng đã để lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ với số lượng lớn ở vùng rừng chỉ cách trạm khoảng 1 km. Số gỗ lậu này đã bị lực lượng chức năng của Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận và Công an huyện Ninh Sơn bắt giữ. “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện trong điện thoại di động của 2 cán bộ kiểm lâm này có số của những đối tượng phá rừng gọi đến trước khi họ vận chuyển gỗ vượt trạm” – ông Hoàng cho biết. Đối với 2 ông Sơn và Năng, khi trực chiến đã để một xe chở 6 m3 gỗ lậu qua trạm dễ dàng. “Đây là hành vi thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng cho lâm tặc” – ông Hoàng khẳng định. Cùng ngày, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết đã báo cáo UBND tỉnh về vụ phá rừng thông ở Tiểu khu 122 (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn) thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn. Các phòng chức năng của sở đang phối hợp với Công an huyện Ninh Sơn điều tra các đối tượng phá rừng. Bước đầu, tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định có khoảng 30 cây thông từ 30-40 năm tuổi (đường kính từ 70- 80 cm, dài 7-8 m) bị đốn hạ. Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận nhận định những đối tượng phá rừng đã lợi dụng đây là vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, đi lại khó khăn… để tổ chức phá rừng. Lê Trường |