ThienNhien.Net – Trong nỗi lo du khách quốc tế sụt giảm, du khách Việt thích đi nước ngoài hơn trong nước, bên cạnh việc miễn visa, lập Sở Du lịch ở Hà Nội, TPHCM, mở thêm đường bay thẳng… thì những việc nhỏ để làm hài lòng du khách lại có ý nghĩa không hề nhỏ.
Chuyện ở Cửa Lò và những nỗi sợ không tự nhiên có
Đến bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) mùa hè này, có những ấn tượng nho nhỏ khiến nhiều du khách thích thú khi bãi biển luôn sạch sẽ bởi rác luôn được thu gom nếu ai đó “lỡ tay” bỏ lại, vắng bóng hàng rong hay người lái xe điện chở khách đi chợ hải sản vào sáng sớm sẵn sàng vào tận chợ để chọn hải sản tươi ngon nhất cho khách. Nhưng có một hình ảnh chưa đẹp khi những người lái xe điện điềm nhiên tăng giá chở khách trên cùng một quãng đường tùy vào ngày nghỉ cuối tuần hay ngày thường.
Một câu chuyện khác diễn ra bên hành lang Quốc hội, trong kỳ họp thứ XI, sáng 11/6, là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ về những nỗi sợ của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam như: Tình trạng làm giá, chặt chém, làm cho người ta có cảm giác mình không được coi trọng; tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt thê lương đến mức làm người ta thấy ám ảnh; ra ngoài đường thấy quán ăn sát vỉa hè đã rất bẩn rồi, mà lại thấy lấy tay trần bốc thức ăn chứ không dùng găng tay nylon; đi ra ngoài thì nhà vệ sinh công cộng rất bẩn, ngay ở những khu du lịch trọng điểm, nhiều người thản nhiên vứt rác, không có ý thức bảo vệ môi trường, rồi thái độ ứng xử thiếu thân thiện của một bộ phận người dân, nhất là những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ tại điểm đến du lịch… Nếu ngẫm kỹ dường như đây cũng là nỗi sợ của du khách Việt Nam khi đi du lịch trong nước.
Hai câu chuyện cho thấy sự hài lòng của khách du lịch luôn cần sự chung tay của không chỉ chính quyền địa phương mà cả từng người dân. Do đó nếu chúng ta muốn chất lượng sản phẩm du lịch tốt để phục vụ khách du lịch thì những nhà cung cấp dịch vụ du lịch phải tự nâng cao chất lượng của mình, địa phương có điểm du lịch phải tự nâng cao hình ảnh của mình. Bởi chỉ cần ở một điểm du lịch có 1.000 người mến khách mà chỉ cần một người không thì cũng để lại ấn tượng xấu.
Tuy nhiên, thực tế lâu nay, mỗi khi xảy ra các vấn đề tiêu cực, sự cố về chặt chém, lừa đảo khách du lịch hay sự xuống cấp của môi trường, dịch vụ tại từng điểm đến thì trách nhiệm đầu tiên thường đổ xuống lãnh đạo ngành du lịch và những người làm du lịch.
Cách đây 2 năm, hành động đích thân đến xin lỗi khách du lịch bị chặt chém của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thể hiện mong muốn đem lại hình ảnh đẹp cho Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, những hành động như vậy là chưa đủ nếu thiếu sự chung tay của các địa phương.
Du khách: Khách quý chứ không phải khách hàng
Trong khi nhìn sang Thái Lan, Malaysia, Singapore, sự thành công của du lịch không chỉ liên quan tới di sản, phong cảnh, khách sạn, nhà hàng… mà ngay từ mỗi nỗ lực tưởng chừng là nhỏ lẻ trong tất cả các khâu. Đó là thủ tục nhanh gọn, tác phong lịch sự, thái độ thân thiện của những người lính biên phòng, chiến sĩ công an nơi cửa khẩu. Sự tận tình, chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên du lịch và các ngành. Thái độ văn minh, thân thiện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của người dân trong từng hành động ứng xử hằng ngày…
Và khi ở mỗi điểm đến, mỗi danh lam thắng cảnh chúng ta luôn gặp ánh mắt, nụ cười thân thiện, không còn mệt mỏi với cảnh chèo kéo của những người bán hàng rong, lo sợ bị chặt chém khi bước vào quán xá hay giật mình vì tiếng rú ga vượt đèn đỏ… thì cảm giác thanh bình, an toàn, thân thiện… sẽ luôn hiện diện trong mỗi du khách trong hay ngoài nước.
Xin kết thúc bài viết bằng hình ảnh những người dân ở Sơn Đoòng (Quảng Bình) làm du lịch với tâm thế đón những người bạn đến tìm hiểu vùng đất, những nét văn hóa của quê hương mình cho thấy du lịch không đơn giản chỉ giúp họ thoát nghèo mà như lời nhắn gửi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ phát động Năm Du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”, ngày 3/4, tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa: “Chúng ta đừng coi du khách chỉ đơn thuần là khách hàng và ta là người bán hàng với mục đích thu được nhiều tiền nhất.
Hãy coi du khách là khách quý còn chúng ta là chủ nhà mến khách. Hãy để du khách được thỏa lòng với những sản phẩm, những dịch vụ mà ta thực hiện bằng kỹ năng chuyên nghiệp, bằng sự nâng niu, tấm lòng yêu nghề, yêu người, yêu cuộc sống. Những lợi ích vật chất chúng ta xứng đáng nhận được từ du khách tự nhiên sẽ tới và quan trọng hơn là sẽ tới cùng tình người, cùng sự tôn trọng, quý mến, sẻ chia”.