ThienNhien.Net – Vì nhiều nguyên nhân, tài nguyên rừng ở Tây Nguyên đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng.
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa quan trọng. Nó vừa đảm bảo lợi ích tổng hợp, kết hợp hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng và an ninh, vừa góp phần vào phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên.
Mô hình quản lý rừng bất cập
Hiện nay, ở khu vực Tây Nguyên có 7 mô hình quản lý rừng bền vững, trong đó các dự án quốc tế hỗ trợ 3 mô hình, còn lại là các địa phương chủ động triển khai.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, hoàn thiện các phương án quản lý ở những vùng rừng trọng điểm. Duy trì hoạt động thông tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các chủ rừng biết và có biện pháp chủ động phòng ngừa. Lực lượng kiểm lâm cơ bản đã tổ chức sắp xếp lại hợp lý, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ mới trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phát triển thêm 100.000 ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên là phù hợp, được các địa phương, doanh nghiệp đồng tình và quyết tâm triển khai.
Sáu tháng đầu năm 2015, toàn vùng Tây Nguyên đã xảy ra 3.641 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 93 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép lấy đất sản xuất. Trọng điểm khai thác gỗ trái pháp luật ở Tây Nguyên tập trung chủ yếu tại các khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Khu Bảo tồn thiên nhiên Đắk Uy (Gia Lai)… |
Sau 5 năm thực hiện, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới được trên 72.000 ha, tuy chưa đạt kế hoạch nhưng là kết quả đáng ghi nhận. Gắn liền với việc phát triển cây cao su, các dự án đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, trạm y tế, trường học, giếng nước sinh hoạt, khu dân cư mới…, với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an ninh chính trị vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập làm cho tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên sau khi kiểm kê rừng chỉ còn 2.567.116 ha; trong đó, rừng tự nhiên là 2.253.809 ha, rừng trồng là 313.307 ha, với tổng trữ lượng gỗ chỉ còn trên 302 triệu m3, giảm 358.797 ha rừng so với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng của năm 2008 (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Do diện tích rừng giảm mạnh nên tỷ lệ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống chỉ còn 45,8% (đây là các loại cây công nghiệp) còn thực tế rừng có trữ lượng đạt độ che phủ chỉ còn 32,4%.
“Lách luật” giao dự án
Một trong những nguyên nhân làm diện tích rừng tự nhiên giảm nghiêm trọng là các tỉnh Tây Nguyên nôn nóng phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án chuyển đổi rừng, nhất là các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su triển khai một cách ồ ạt không tuân thủ theo đúng các quy định của nhà nước nên đã làm giảm 128.523 ha rừng tự nhiên, chiếm tới 35,8% tổng diện tích rừng bị giảm.
Suy giảm tài nguyên rừng đã góp phần làm tình trạng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên ngày càng nghiêm trọng hơn như mùa khô đến sớm, kéo dài, nắng nóng khốc liệt hơn, mực nước mặt, ngầm suy giảm mạnh… tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ngay mùa khô năm 2015 đã làm cho các tỉnh Tây Nguyên thiếu nước tưới hàng trăm ngàn ha cây trồng, chủ yếu là cây cà phê, lúa đông và nước sinh hoạt cho người dân, thiệt hại lên đến cả hàng ngàn tỷ đồng. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, mùa khô vừa qua đã làm cho trên 61.446 ha cây trồng bị khô hạn, chủ yếu là cà phê và lúa nước vụ đông xuân bị khô cháy, thiếu nước tưới, gây thiệt hại cho bà con các dân tộc gần 2.009 tỷ đồng và hàng vạn hộ dân thiếu nước sinh hoạt… |
Các địa phương vùng Tây Nguyên triển khai các dự án chưa bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước, thể hiện ở các vấn đề về quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp. Thậm chí, ở một số nơi còn “lách luật” giao dự án (các dự án thường được chia nhỏ dưới 1.000 ha cho dù trong cùng vùng chuyển đổi có quy mô hàng ngàn ha), hoặc tự giao cho một số doanh nghiệp khảo sát, lập dự án chuyển đổi dẫn đến tạo kẽ hở trong quản lý. Một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đã để xảy ra một số vi phạm trong quá trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Qua rà soát, kiểm tra, các địa phương vùng Tây Nguyên đã thu hồi 76 dự án, với diện tích rừng, đất lâm nghiệp 7.932 ha, đình chỉ 48 dự án với diện tích 1.261 ha…
Theo quy định của pháp luật, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế, nhưng thực tế, hầu hết khi phê duyệt cũng như thực hiện các dự án, các địa phương cũng như các nhà đầu tư cố tình “quên” hoặc chậm triển khai quy định này. Thực tế, qua rà soát các tỉnh Tây Nguyên có trên 15.792 ha rừng chuyển sang làm thủy điện và các dự án khác, trong đó có 5.755 ha rừng chuyển sang làm thủy điện, thế nhưng, hiện nay các chủ đầu tư, các địa phương mới trồng bù lại 892 ha rừng, còn 14.896 ha vẫn chưa được trồng lại rừng. Đồng bào các dân tộc ở các địa phương vùng Tây Nguyên cũng như đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch đã phá, lấn chiếm trên 88.603 ha rừng trái phép để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, ở các địa phương vùng Tây Nguyên vẫn còn diễn ra tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để, việc giải tỏa, thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị phá, bị lấn chiếm trái phép để phục hồi lại rừng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, chưa xử lý có hiệu quả các đầu nậu thuê người phá rừng cũng như các đối tượng mua bán, tích tụ đất đai trái pháp luật.