ThienNhien.Net – Trong khi dư luận hướng sự chú ý đến cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Ấn Độ trên dãy Himalaya cũng có thể dẫn đến xung đột tiềm tàng.
Theo National Interest, Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh chấp nguồn năng lượng thủy điện trên con sông Yarlung Tsangpo-Brahmaputra. Tranh chấp đặt ra những bài học giá trị trong hợp tác khu vực, nhấn mạnh xung đột có thể xảy ra nếu như Trung Quốc và Ấn Độ không thể giải quyết tranh chấp tài nguyên.
Dòng sông xuyên biên giới Yarlung Tsangpo–Brahmaputra dài 2.880 km. Con sông Yarlung Tsangpo khởi nguồn từ Tây Tạng, Trung Quốc trải dài xuống phía bắc Ấn Độ với tên gọi Brahmaputra và cuối cùng hòa vào dòng sông Jamuna ở Bangladesh.
Những căng thẳng trong quá khứ
Xung đột tài nguyên bắt đầu từ ngày 11/6/2000, sự cố vỡ đập ở Tây Tạng đã gây ra lũ lụt khiến 30 người thiệt mạng và phá hủy nặng nề cơ sở hạ tầng ở phía đông bắc tỉnh Arunachal Pradesh, Ấn Độ.
Một số quan chức chính phủ Ấn Độ cho rằng lũ lụt xảy ra có chủ ý từ Trung Quốc, thậm chí là khả năng Bắc kinh sử dụng nguồn nước như một thứ vũ khí đối với Ấn Độ.
Sự việc chỉ lắng dịu khi hình ảnh từ vệ tính xác nhận đây chỉ là sự cố vỡ đập tự nhiên. Năm 2002, hai nước đã ký bản ghi nhớ đầu tiên trong việc cung cấp thôngtin thủy văn trong những tháng mùa mưa. Điều này vốn chấm dứt sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.
Căng thẳng xuất hiện trở lại vào năm 2008, thời điểm mà chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng đập thủy điện Zangmu. Đập thủy điện nằm ngay giữa con sông Yarlung-Tsangpo. Nhiều nhà quan sát Ấn Độ quan ngại rằng, Trung Quốc xây đập thủy điện chỉ là sự khởi đầu cho kế hoạch làm khô cạn con sông Brahmaputra.
Những tin đồn này tiếp tục lang rộng sau khi chính phủ Trung Quốc từ chối cung cấp thêm thông tin do “vấn đề nội bộ” và những thông tin trái chiều từ các quan chức. Một số nhà phân tích Ấn Độ cảnh báo rằng việc thay đổi dòng nước được coi như là sự bắt đầu cho chiến tranh. Vấn đề căng thẳng là chủ đề chính trong Quốc hội Ấn Độ cũng như trở thành ưu tiên trong việc trao đổi song phương cấp cao với Trung Quốc.
Trung Quốc không muốn leo thang chiến tranh
Căng thẳng liên quan đến vấn đề năng lượng chưa dừng lại ở đó. Nhà máy thủy điện ở Yarlung Tsangpo cung cấp tới 79 gigawatts. Do vậy, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng tới 20 đập thủy điện dọc theo con sông.
Cùng với đó là kế hoạch chuyển hướng dòng nước, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc ở thượng nguồn sẽ lấy đi ít nhất 30% tài nguyên nước. Bên cạnh việc phản đối kế hoạch của Trung Quốc, Ấn Độ cũng xây dựng đập thủy điện riêng trên sông Brahmaputra.
Đập thủy điện không những giúp Ấn Độ tận dụng nguồn năng lượng thủy điện dồi dào mà còn củng cố tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp biên giới ở Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng).
Mặc dù Ấn Độ bày tỏ quan ngại, có ít lý do cho rằng hành động của Trung Quốc sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh tài nguyên nước. Những đập thủy điện của Trung Quốc không dự trữ nước. Trung Quốc cũng không muốn thay đổi dòng nước do chi phí kinh tế và mối đe dọa đến môi trường.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng cũng không muốn tạo ra căng thẳng đối với quốc gia láng giềng gần nhất ở phía đông. Cuối cùng, khoa học đã chứng minh Trung Quốc không kiểm soát nguồn cung cấp tài nguyên nước của Ấn Độ. Khoảng 70% lượng nước trên sông Brahmaputra đến từ lượng mưa hàng năm.
Giải pháp cho vấn đề tranh chấp tài nguyên nước
Mặc dù cuộc chiến tranh vì tài nguyên nước khó có thể xảy ra, vấn đề an ninhnguồn nước đặt ra ba lý do chính. Đầu tiên, những quan ngại của Ấn Độ đến từ việc chính phủ Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin về dự án xây dựng đập thủy điện. Vấn đề này đã cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch giữa hai bên.
Trung Quốc và Ấn Độ có thể bày tỏ thiện chí nỗ lực để cùng thiết lập dự án nghiên cứu khoa học chung tại khu vực Himalaya cũng như chia sẻ thêm các thông tin về tài nguyên nước.
Thứ hai, cách mà Ấn Độ và Trung Quốc giải quyết những căng thẳng liên quan đến nguồn nước và năng lượng sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, môi trường và ổn định xã hội của hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này sẽ tác động đến hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác, cũng như việc quản lý tài nguyên xuyên biên giới.
Cuối cùng, việc chia sẻ nguồn tài nguyên nước ít ảnh hưởng đến yếu tố chính trị hơn và đem lại cơ hội cho việc tăng cường hợp tác sâu rộng. Sáng kiến này không chỉ nâng cao nhận thức của hai nước mà còn hỗ trợ phát triển một tiếng nói và sự hiểu biết chung trong những thức thức về tài nguyên và môi trường trong khu vực.
Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong vấn đề biên giới và chính trị vẫn đang là rào cản trong mối quan hệ hợp tác khu vực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài nguyên nước, Trung Quốc đã cho thấy sự sẵn sàng nhằm xóa đi những hoài nghi của Ấn Độ.
Tranh chấp tài nguyên nước là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều thách thức. Cách tiếp cận của Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của khu vực. Đặc biệt là trong giai đoạn mà hai nước đang cải thiện mối quan hệ cũng như sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.