ThienNhien.Net – Du lịch hình như bao giờ cũng đi kèm với phản du lịch nếu người ta không có một văn hóa nền đủ để ứng xử với nó. Đi du lịch là để tìm hiểu văn hóa nơi mình đến. Người du lịch muốn được thụ hưởng văn hóa thì người làm du lịch, địa điểm và những con người ở đó cũng phải mang văn hóa để tiếp đãi nhưng thử hỏi đã mấy ai làm được điều đó. Quy hoạch lộn xộn ở Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc, vịnh Nha Trang có là văn hóa không? Bãi biển ở Phan Thiết có ô nhiễm vì quá nhiều resort không? Các đình chùa ở miền bắc tu bổ xanh đỏ lòe loẹt có còn đẹp không? Và còn nhiều thí dụ khác nữa.
Mặt bằng văn hóa của những người đi du lịch cũng là một chuyện đáng bàn. Mấy tượng linga ở Tháp Bà (Nha Trang) chi chít những hình vẽ bậy bạ. Chiếc trống cổ ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bị khắc vạch nhằng nhịt những chữ ký, những lời thề non thốt biển của du khách.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng có lần tâm sự: Tôi vừa đi thăm một ngôi chùa cổ rất đẹp ở tỉnh N… nhưng không dám viết bài báo giới thiệu vì sợ rằng mọi người kéo đến sẽ làm hỏng ngôi chùa đó. Cũng như ông đã từng băn khoăn rằng du lịch sẽ là một yếu tố phá hỏng Tây Nguyên. Ông bảo: Có cách gì để cấp quota cho du lịch Tây Nguyên không vì bây giờ đã đông khách quá. Áp lực đó tạo ra nhiều khách sạn, nhiều dịch vụ trong khi trình độ quản lý chưa theo kịp.
Đương nhiên, muốn phát triển bền vững thì lợi ích của tất cả đều phải cân bằng: Nhà nước, các đơn vị làm du lịch, khách du lịch và người dân địa phương… có danh lam thắng cảnh. Ý thức trách nhiệm của người này sẽ tạo ra quyền lợi cho người kia và ngược lại, đó là một vòng tròn khép kín và quan hệ mật thiết với nhau. Một trong bốn mắt xích đó hỏng thì sự phát triển không thể bền vững được. Trong thực tế thì có lẽ chỉ Hội An làm được điều này. Trong khi Sa Pa, làng cổ Đường Lâm, Hạ Long đều chưa làm được.
Cách đây vài năm, tôi chụp mấy bức ảnh ở Sa Pa, các cô gái H’mông đang chọn lựa dầu gội đầu ở một tiệm tạp hóa. Có rất nhiều loại như Rejoice, Clear, Dove, Lux… Sự phát triển làm mất đi nhiều thứ nhưng cũng đưa lại cả văn minh nữa. Không nên bảo tồn theo kiểu muốn mọi người sống lạc hậu để cho người du lịch đến ngắm. Nhưng cũng thật buồn khi mấy chàng trai không dùng sáo, khèn để gọi bạn tình vào tối thứ bảy mà lại dùng nhạc thu sẵn ở cassete. Làm sao cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, thu hút khách du lịch nhưng không mất đi bản sắc và có lẽ mấu chốt của vấn đề này là văn hóa. Cần lưu ý đến bài học văn hóa, văn hóa của phát triển, văn hóa của phát triển du lịch trước khi phát triển.