ThienNhien.Net – Trong khi cây mắc ca – hi vọng thoát nghèo cho người dân tại các huyện trung du miền núi của Thanh Hóa đang được bà con đưa vào trồng ồ ạt trong ít năm trở lại đây thì vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT dừng xây dựng đề án quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2015 – 2020.
Vậy nguyên nhân từ đâu lại có quyết định này. Phóng viên báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn đề nghị Sở NN và PTNT dừng đề án quy hoạch vùng nguyên liệu cây mắc ca, cụ thể nội dung của công văn này như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quyền: Trước hết phải khẳng định, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn toàn quốc nói chung và Thanh Hóa nói riêng là trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành NN và PTNT và đã được Thủ tướng Chính phủ xác định đây là loại cây nằm trong cơ cấu của ngành nông nghiệp. Trên thực tế, cách đây khoảng gần 8 năm, chúng tôi đã đưa vào trồng khoảng trên 30 ha tại huyện Thạch Thành và đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo tính toán thì đây cũng là cây có hiệu quả kinh tế cao. Nhưng sau khi có nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông về tính khả thi của cây mắc ca cũng như đặc tính của nền nông nghiệp nước ta là làm theo phong trào, cứ trồng không bán được lại phá bỏ nên Bộ NN và PTNT đã có thông báo khuyến cáo gửi cho các tỉnh về việc phát triển diện tích cây mắc ca. Sau khi có khuyến cáo của Bộ, chúng tôi đã rất thận trọng, giao cho Sở xem xét lại và Sở cũng đã có văn bản chính thức báo cáo UBND tỉnh đề nghị tạm dừng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn và UBND tỉnh đã đồng ý.
Chúng ta đã có những bài học nhãn tiền về hậu quả từ việc người dân đưa vào trồng ồ ạt các loại cây nguyên liệu mà không nghiên cứu kỹ đầu ra, điển hình như cây thanh hao hoa vàng, dứa, hồ tiêu, cà phê… Việc dừng quy hoạch đối với cây mắc ca có tránh cho người nông dân tại nhiều huyện miền núi của Thanh Hóa tâm lý “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quyền: Đây là điểm hạn chế chung của nền nông nghiệp nước ta và Thanh Hóa cũng không nằm ngoại lệ.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành đã trồng khảo nghiệm 500 cây mắc ca trên diện tích khoảng 2 ha và đã cho thu hoạch được 2 năm. Bên cạnh đó, một số hộ dân cũng tiến hành trồng cây nhưng chưa qua khảo nghiệm để xác định diện tích đất đai, khí hậu phù hợp với loại cây này. Riêng ở huyện Thạch Thành, bà con đã áp dụng trồng rộng rãi loại cây này với diện tích trên 30ha.
Qua khảo nghiệm cho thấy, việc trồng cây mắc ca cùng ngày, cùng cách trồng, cùng kỹ thuật nhưng cây trồng ở dưới chân đồi cho năng suất trên 3 tấn/ha, trồng ở lưng đồi và đỉnh đồi chỉ cho năng suất 6-7 tạ/ha. Từ thực tế này cho thấy, việc xây dựng đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca cần có thêm thời gian mới có cơ sở khoa học để xây dựng quy hoạch diện tích trồng. Hơn nữa, việc đầu tư trồng loại cây này cũng tương đối cao, dao động từ 80-100 triệu đồng/ha, nên cũng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng mới cho áp dụng rộng rãi.
Ở đây có thể thấy, rõ ràng người nông dân đang chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà ồ ạt đưa vào trồng mà chưa tính đến hậu quả về lâu dài khi chưa được khảo nghiệm cụ thể. Việc dừng quy hoạch vùng quy hoạch cũng một phần tránh rủi ro không đáng có cho người nông dân như đã từng xảy ra với nhiều loại cây nguyên liệu được đưa vào trồng đại trà trước. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng tôi chỉ tạm dừng nhưng không phải là không xem xét đối với loại cây trồng này mà chỉ tạm dừng quy hoạch.
Thực tế, với diện tích, năng suất, hiệu quả kinh tế hiện tại, cây mắc ca đang trở thành niềm hi vọng để bà con tại các huyện trung du miền núi của tỉnh thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Vậy Thanh Hóa sẽ làm gì để không bỏ qua cơ hội này thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quyền: Với những hiệu quả về kinh tế bước đầu, có thể nói mắc ca đang đem lại nhiều hi vọng cho bà con nông dân. Chúng tôi đã giao cho sở ngành chức năng có đề tài nghiên cứu sản xuất giống và trồng thử nghiệm tại các huyện trung du miền núi Thanh Hóa. Mục tiêu của đề tài này là sản xuất được giống cây mắc ca bằng phương pháp ghép mắt. Xây dựng được vườn ươm giống diện tích 2 ha tại huyện Vĩnh Lộc với quy mô 200 nghìn cây của 8 loại giống mắc ca. Đồng thời, trồng thử nghiệm 8 giống cây mắc ca tại 3 huyện trung du miền núi là tỉnh Thanh Hóa với quy mô 30 ha (dọc theo đường Hồ Chí Minh) gồm Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ bắt tay vào tìm kiếm, nghiên cứu về mặt thị trường nhất là đưa các cây trồng mới theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến đến thu mua và chế biến. Ở đây doanh nghiệp phải đóng vai trò đầu tàu, đầu tư cho người dân giống, vật tư, đảm bảo được đầu ra, đồng hành cùng bà con, có như vậy chúng ta mới khắc phục được tình trạng được mùa mất giá rồi trồng – chặt khi không có đầu ra.
Trân trọng cảm ơn ông!