ThienNhien.Net – Theo báo cáo “Triển vọng dân số thế giới: Bản điều chỉnh năm 2015,” được Liên hợp quốc công bố ngày 29/7, dân số thế giới sẽ tăng từ mức 7,3 tỷ người hiện nay lên 8,5 tỷ vào năm 2030, sau đó sẽ là 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ trong năm 2100.
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn báo cáo trên, cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành quốc gia có quy mô dân số lớn nhất, vượt qua Trung Quốc vào khoảng năm 2022. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai nước đông dân nhất thế giới, mỗi nước hơn 1 tỷ người, chiếm tỷ lệ lần lượt là 19% và 18% dân số thế giới, nhưng đến năm 2022, dân số của Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chủ yếu xảy ra ở khu vực các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi. “Lục địa đen” dự kiến sẽ chiếm hơn 50% tốc độ tăng trưởng dân số thế giới trong giai đoạn năm 2015-2050.
Hiện nay, trong số 10 quốc gia có quy mô dân số lớn nhất trên thế giới, có 1 nước ở châu Phi (Nigeria), 5 nước ở châu Á (Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Pakistan), 2 nước ở khu vực Mỹ Latinh (Brazil và Mexico), 1 nước ở Bắc Mỹ (Mỹ) và 1 nước ở châu Âu (Liên bang Nga). Trong số này, dân số của Nigeria hiện đứng thứ 7 thế giới, là quốc gia có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất, theo đó dự kiến đến năm 2050, dân số nước này có thể vượt Mỹ, để trở thành nước có dân số lớn thứ 3 thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số cũng ngày một báo động. Trên toàn cầu, số người trong độ tuổi từ 60 trở lên được dự kiến tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 và gấp ba vào năm 2100. Già hóa dân số trong vài thập kỷ tới dự kiến diễn ra ở hầu hết các khu vực của thế giới, dẫn đầu là châu Âu với tỷ lệ 34% dân số trên 60 tuổi vào năm 2050.
Ở khu vực Mỹ Latinh, vùng Caribe và châu Á, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng từ khoảng 11-12% hiện nay lên hơn 25% vào năm 2050. Châu Phi được coi là khu vực có tỷ lệ dân số trẻ nhất, nhưng số người ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên cũng tăng từ mức 5% hiện nay lên 9% vào năm 2050.
Trong những năm gần đây, tuổi thọ bình quân đã tăng đáng kể ở các nước kém phát triển, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Trong khoảng thời gian 2000-2005 và 2010-2015, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 30% tại 86 quốc gia, 13 trong số các nước này đã chứng kiến mức giảm tới hơn 50%. Cùng trong khoảng thời gian này, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm hơn 20% ở 156 quốc gia.
Theo báo cáo, trẻ em và thanh thiếu niên chính là những người lao động và là các bậc cha mẹ trong tương lai, những người có thể giúp xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước của họ. Tạo cơ hội chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm, đặc biệt là ở các quốc gia và nhóm xã hội nghèo nhất, sẽ là một trọng tâm quan trọng của chương trình nghị sự phát triển bền vững mới.