ThienNhien.Net – Hiện nay công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập. Tài nguyên rừng trên địa bàn ngày càng bị suy giảm, thu hẹp, đất rừng bị lấn chiếm trái phép ngày càng tăng, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Xây dựng chính sách phải đủ mạnh
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo cũng như bảo vệ, phát triển rừng. Những năm qua, tốc độ giảm nghèo ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đạt trên 5%/năm, cao hơn chỉ tiêu 4%/năm.
Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn rất nhiều khó khăn, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn lên tới 50%. Việc bảo vệ, phát triển rừng là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững và đặt ra yêu cầu chung khi xây dựng chính sách phải đủ mạnh, không mâu thuẫn với các chính sách khác. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các chính sách hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng để thấy những vấn đề bất cập, từ đó phân tích, sửa đổi mang lại hiệu quả thực thi cao. Nên quy định đối tượng thụ hưởng chính sách là tất cả người dân sống trên địa bàn miền núi có tham gia bảo vệ rừng mà không cứ đồng bào dân tộc thiểu số. Mức hỗ trợ cần khuyến khích bà con tận dụng đất rừng để phát triển sản xuất và chăn nuôi với mức hỗ trợ lãi suất là 100%…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Gắn chính sách xóa đói, giảm nghèo với bảo vệ và phát triển rừng
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn từ nay tới năm 2020. Theo đó, chính sách quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ và phát triển sản xuất gắn với xóa đói giảm nghèo với đồng bào dân tộc. Đối tượng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại các xã khó khăn vùng dân tộc miền núi và cộng đồng dân cư thôn có từ 70% hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên có tham gia bảo vệ phát triển rừng.
Các hộ gia đình đó sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với mức 400.000 đồng/ha/năm (quy định hiện hành là 200.000 đồng) khi nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã đang quản lý. Nhà nước hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng theo 2 mức tác động (1 triệu đồng/ha/năm cho thời gian 6 năm đối với khoanh nuôi đơn giản và mức 2 triệu đồng/ha/năm cho 3 năm đầu và 1 triệu đồng/ha cho 3 năm tiếp theo).
Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng: Đánh giá rõ việc thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng
Sau khi rà soát việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây khác, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hồi, đình chỉ 124 dự án, với tổng diện tích trên 9.193 ha do chuyển đổi đất rừng không hiệu quả, trong đó đình chỉ 48 dự án, với diện tích 1.261 ha và thu hồi 76 dự án với diện tích rừng, đất lâm nghiệp 7.932 ha. Đắk Lắk là địa phương có số dự án bị thu hồi, đình chỉ nhiều nhất, với 65 dự án, kế đến là tỉnh Lâm Đồng có 54 dự án chuyển đổi đất rừng không hiệu quả phải thu hồi.
Về việc chuyển rừng, đất lâm nghiệp sang trồng cao su: Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên chưa chú ý khai thác loại quỹ đất không có rừng, đất nông nghiệp và loại đất kém hiệu quả, mà chủ yếu chuyển từ đất lâm nghiệp có rừng (chiếm 79%). Mặt khác, một số chủ dự án chưa thực hiện tốt công tác đền bù gây nên tình trạng tranh chấp, khiếu kiện. Việc vi phạm quy định về quản lý đất đai, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp cũng đã xảy ra. Một số chủ đầu tư lợi dụng việc trồng cao su ở các địa bàn vùng Tây Nguyên để xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ, xây dựng lò đốt than trái phép ngay trong vùng dự án gây tình trạng lộn xộn, phức tạp.
Các tỉnh Tây Nguyên kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích, để kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi, có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Kiến nghị Chính phủ sớm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 1685 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trên cơ sở đó cho phép các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục triển khai các dự án phát triển nông, lâm nghiệp đang tạm dừng trước ngày 30/4/2013 đến nay, góp phần khai thác tốt tài nguyên đất rừng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đức Luyện: Diện tích rừng suy giảm có lỗi của cán bộ
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Đức Luyện cho rằng: Mất rừng, diện tích rừng suy giảm là có cả lỗi của cán bộ. Cán bộ có nhận đất, nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng… Do vậy, hiện nay, Đắk Nông chỉ còn 334.000 ha rừng, giảm so với diện tích rừng công bố hàng năm khoảng 29.500 ha và trữ lượng gỗ chỉ còn 29 triệu mét khối, độ che phủ rừng chỉ còn 36%. Như vậy, Đắk Nông đang đối mặt hai cái khó là nguồn nước và sa mạc hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl: Di dân ngoài kế hoạch ảnh hưởng đến diện tích rừng
Trong 8 năm qua, rừng ở Đắk Lắk giảm khoảng 52.000 ha, tương ứng với 4% độ che phủ. Một trong những nguyên nhân làm mất rừng là do áp lực từ di dân đến ngoài kế hoạch. Đồng bào tự ý lén lút vào sâu trong rừng phá rừng trái phép tự lập khu dân cư, khu sản xuất. Thậm chí còn tranh giành đất của đồng bào tại chỗ, gây nên nhiều hệ lụy không những trong công tác quản lý bảo vệ rừng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhân hộ khẩu, an ninh trật tự ở nông thôn, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, huyện Mang Yang (Gia Lai) Nguyễn Văn Chín:Phòng chống cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ
Khu rừng phòng hộ Hà Ra có tổng diện tích hơn 13.000 ha; trong đó, có khoảng 10.000 ha là rừng tự nhiên và diện tích còn lại là rừng trồng chủ yếu loại giống thông 3 lá. Lâm phần nằm trên địa bàn 2 xã là Hà Ra và Đăk Taley với trên 10.000 dân sinh sống; trong đó có gần 60% số dân là người dân tộc Bahnar sống xen kẽ với những cánh rừng. Do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, sản xuất nông nghiệp còn mang tính độc canh và hiệu quả thấp nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Về địa hình cũng khá phức tạp, toàn bộ diện tích rừng ở Hà Ra đều nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 – 1.200 m so với mặt biển, có những cánh rừng trồng nằm trên đỉnh núi Kôn Bôria cao đến 1.500 m. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt, toàn bộ diện tích rừng đều nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cao nguyên; trong năm chia thành 2 mùa rõ rệt có 6 tháng nắng và 6 tháng mưa.
Do đặc thù của vùng rừng và những khó khăn về dân sinh trên địa bàn, Ban Quản lý đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện thực tế và đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô do làm tốt đã kịp thời phát hiện và huy động lực lượng dập lửa rừng có kết quả, không để cháy lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đã phân vùng và xác định khoanh các tiểu khu rừng dễ cháy với tổng diện tích gần 3.000 ha, chủ yếu là rừng trồng, tập trung đầu tư các hạng mục phòng cháy theo mức vốn đầu tư của nhà nước hàng năm. Đồng thời, bố trí các tổ tuần tra, canh gác với lực lượng khoảng 10 người thường trực 24/24 giờ tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy để ngăn chặn lửa rừng tại chỗ. Nếu có phát hiện lửa rừng thì kịp thời thực hiện phương án báo cháy để Ban Quản lý rừng huy động lực lượng đến ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng khá đông và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh. Bên cạnh lực lượng của đơn vị có 23 người, Ban quản lý còn huy động thêm khoảng 350 người gồm lực lượng hộ nhận khoán và nhân dân ở 2 xã Hà Ra và Đăk Taley. Phương tiện và công cụ chữa cháy tuy còn thủ công, song Ban quản lý cũng chuẩn bị khá tốt và sẵn sàng “tác chiến” phù hợp với địa hình, bao gồm hơn 200 chiếc xe máy cá nhân, 230 cái rựa phát, hàng chục bàn dập lửa…