ThienNhien.Net – Theo thống kê nhanh, 16 mỏ của tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam TKV đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ.
Tính đến 20h ngày 28/7, đã 17 người thiệt mạng, 1 người mất tích, 7 người bị thương đang được điều trị do mưa bão nhiều ngày qua tại Quảng Ninh. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản lên đến 1.000 tỷ đồng. Hiện các khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn vẫn đang có mưa nhỏ đến mưa vừa. Đến nay Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam đã dừng mọi hoạt động khai thác tại các mỏ khu vực Hạ Long, Cẩm Phả.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hạ Long, đến 16h30′, ngày 28/7, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 8 thi thể trong vụ 9 người bị vùi lấp vì sạt lở đất tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng. Tuy nhiên, một số khu vực đồi, kè trên địa bàn lại tiếp tục sạt lở trong chiều nay.
Nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu như phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy… Các lực lượng cứu hộ của Quân đội vẫn đang tiếp cận để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Khu vực các phường Quang Hanh, phường Mông Dương và Cửa Ông của thành phố Cẩm Phả, một số thôn trên đảo Bản Sen của huyện Vân Đồn vẫn bị chia cắt.
Tới thời điểm này, Quảng Ninh vẫn đang chỉ đạo huy động hàng ngàn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an đóng trên địa bàn xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích; huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.
Chiều 28/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về tình hình mưa lớn trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng làm việc với tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam TKV tại Hạ Long.
Theo thống kê nhanh, 16 mỏ của TKV đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Các khu vực hầm lò ngập sâu, có nơi ngập tới 50m như mỏ của công ty Than Hòn Gai, các mỏ lộ thiên bị sạt lở, trôi than trong các moong, hệ thống giao thông vận tải trên mỏ bị ách tắc, nhiều thiết bị tài sản bị chôn vùi.
Đến nay TKV đã dừng mọi hoạt động khai thác tại các mỏ khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, tích cực tập trung nhân lực, huy động các thiết bị bơm nước cấp cứu mỏ, tổ chức nạo vét bùn đất khơi thông suối. Khu vực mỏ Cọc 6, Cao Sơn gần khu dân cư được khơi thông mương nước, ngăn chặn nguy cơ sạt các bãi thải, đồng thời di dời người dân tới nơi an toàn.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, trước tình hình mưa lớn tiếp diễn, các đơn vị thuộc TKV đang xây dựng các phương án đối phó thích hợp, phối hợp với địa phương kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, trận mưa lũ kết hợp với triều cường dâng cao trong 3 ngày 26 – 28 tại Quảng Ninh đã khiến 1.500 du khách mắc kẹt trên huyện đảo Cô Tô, không thể vào bờ như dự kiến. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có những chỉ đạo sát sao, yêu cầu huyện Cô Tô đảm bảo an toàn cao nhất đối với du khách mắc kẹt trên đảo.
Để đảm bảo an toàn cho khách, UBND huyện Cô Tô đã tổ chức các tổ công tác đi nắm tình hình, kêu gọi, vận động các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú du lịch giảm giá phòng cho khách từ 30% đến 50%, cá biệt có không ít nhà nghỉ miễn tiền thuê phòng nghỉ của du khách; huyện cũng cử đoàn công tác động viên khách du lịch, khi trời yên biển lặng sẽ bố trí tàu đưa đón du khách vào bờ an toàn. Đồng thời, UBND Huyện yêu cầu du khách không ra bờ biển để đảm an toàn trong những ngày biển động. Ngoài ra, Huyện Cô Tô đã thành lập 3 tổ công tác quản lý chặt chẽ giá cả, không cho tăng giá các mặt hàng thực phẩm, hỗ trợ các điều kiện khác cho khách.
Những việc làm này đã giúp khách du lịch yên tâm khi phải lưu trú lại Cô Tô trong những ngày mưa lũ lịch sử này ở Quảng Ninh.
Anh Phạm Hồng Hải khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: “Ngay hôm đầu tiên chúng tôi lỡ tàu, chủ khách sạn đã tuyên bố một số phòng nhỏ thì miễn phí, còn đâu thì giảm giá 50%. Thực phẩm, đồ ăn ngoài chợ cũng không đắt đỏ. Tôi đã đi du lịch nhiều nơi từ Nam ra Bắc nhưng chưa thấy nơi nào người dân lại ủng hộ, đồng cảm cho những người nhỡ tàu xe như chúng tôi. Cho nên cảm thấy thân thiết như ở nhà”.
Dù đã 2 lần hủy vé máy bay và rất bận công việc nhưng Chị Phan Thị Hiền Thu cũng rất vui vẻ và yên tâm khi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía chính quyền và người dân địa phương.
Những nghĩa cử này của nhân dân huyện đảo Cô Tô không chỉ giúp hàng nghìn du khách yên tâm lưu trú trên đảo lúc mưa bão mà còn tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.