ThienNhien.Net – Hiện nước ta phải nhập khẩu khoảng 900-1.000 tấn than mỗi năm để sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện và con số này sẽ tăng lên 17 triệu tấn vào năm 2020.
Ngoài ra, 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi 16.000 tỉ đồng để nhập 2,4 triệu tấn phân bón và 9.000 tỉ đồng mua thuốc bảo vệ thực vật. Những ai quan tâm hẳn sẽ giật mình vì nguồn hàng trên vừa gây hậu quả lớn đối với sức khỏe con người và môi trường vừa đẩy nền sản xuất của nước ta vào thế khó hơn, vậy sao lại nhập ồ ạt?
Cụ thể, ở ĐBSCL đang xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện, trong đó đa phần dùng than để phát. Một tổ chức nghiên cứu khoa học cảnh báo những nhà máy nhiệt điện than này sẽ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cư dân trong vùng; Việt Nam có đến 31.000 người mắc bệnh do nhiệt điện than và dự báo riêng ở ĐBSCL sẽ có khoảng 8.000 người bị giảm tuổi thọ do hít phải bụi từ các nhà máy này. Biết là có hại song vẫn phải làm do không có nguồn nguyên liệu thay thế. Có lẽ hệ thống sông ngòi đa dạng, phong phú của nước ta đã bị cạn kiệt sau những chiến dịch khai thác thủy điện theo kiểu bòn rút tận cùng rồi nên bây giờ đến lượt nhiệt điện than. Thủy điện đã gây bao nhiêu hệ lụy, nhiệt điện than cũng đã, đang và sẽ di họa nhưng vẫn phải xây, vẫn phải phát. Người ta xem môi trường và sức khỏe cộng đồng chỉ là thứ yếu so với những mục tiêu khác!
Lĩnh vực nông nghiệp cũng gây lo lắng không kém. Với lượng hóa chất, phân vô cơ nhập về lớn đến vậy thì nguồn đất, nguồn nước, nguồn thực phẩm chắc chắn không thoát khỏi ô nhiễm. Từ lâu, ngành nông nghiệp trong nước đã hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững nhưng hô hào là chính, còn thực chất vẫn chưa có nguồn chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học đủ sức thay thế lượng thuốc bảo vệ thực vật khổng lồ nhập về mà trong đó, hàng Trung Quốc chiếm đến 80%. Cũng đã có những thương hiệu phân bón rất lớn, năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa đâu kém ai mà sao vẫn tốn tiền nhập khẩu!
Chúng ta đừng vội mừng khi nằm trong nhóm nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây mà hãy xem trong kết cấu giá thành của từng loại nông phẩm có bao nhiêu thứ trong nước làm ra được và người nuôi trồng được lợi gì hay chỉ lấy công làm lãi; ngoại tệ thu về từ xuất khẩu có đủ nhập khẩu vật tư nông nghiệp không và đặc biệt là có đủ để xử lý những hậu quả nghiêm trọng do hóa chất gây ra về lâu dài…
Trách cứ các cơ quan cấp quota (hạn ngạch) nhập khẩu vô tội vạ đã đành, điều đáng nói hơn là ai cũng biết rằng làm ăn thời hội nhập thì không thể đóng cửa bảo hộ và phải chủ động từ sân nhà. Nhưng lý thuyết là vậy còn thực tế thì đã để cho nền sản xuất bị mất tự chủ. Người dân làm sao “ra biển lớn” bằng thúng chai trong khi nhà quản lý thì tay chèo kém tự tin vì nội lực yếu. Những đôi chân run run không thể nào vững bước trên lộ trình hội nhập đầy gai góc. Hàng loạt hiệp định tự do thương mại đã và sắp có hiệu lực, thị trường sẽ phải mở toang, làm ăn kiểu này thì lấy gì để cạnh tranh?