ThienNhien.Net – Để đối phó với sạt lở đê biển, về giải pháp lâu dài là bắt buộc phải trồng rừng ngập mặn để giảm bớt cường độ sóng xâm nhập vào bờ.
Đê biển và rừng phòng hộ ở ĐBSCL đang có nguy cơ bị xoá sổ. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện giải pháp công trình xây dựng đê biển chắn sóng. Bên cạnh những công trình xây dựng phát huy hiệu quả chống sạt lở, ngăn triều cường, vẫn còn một số công trình do yếu tố địa lý tác động nên tiếp tục bị sạt lở.
Thống kê của các tỉnh ven biển ĐBSCL, trong vòng 20 năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng khiến cho các tuyến đê biển đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Tại 7 tỉnh ven biển của vùng là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã có gần 50.000 ha đất và rừng phòng hộ bị mất đi. Hàng chục ngàn hộ dân đã rơi vào cảnh không nhà, không đất.
Tại tỉnh Cà Mau có đến 80% đường bờ biển Đông và biển Tây bị sạt lở với diện tích hơn 300ha rừng phòng hộ bị mất mỗi năm. Trước thực trạng đáng báo động này, những năm qua, bằng nhiều giải pháp công nghệ, tỉnh đã nỗ lực khắc phục vấn nạn sạt lở ở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài gần 18 km, tổng mức đầu tư là 511 tỷ đồng.
Theo đó tỉnh đã cho xây kè ngầm tạo bãi khẩn cấp, kè kiên cố chống sạt lở. Ngoài ra, Cà Mau cũng đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển.
Xã Khánh Tiến, huyện U Minh là một trong những địa phương có điểm sạt lở bờ biển, rừng phòng hộ nghiêm trọng nhất của tỉnh. Xã có hơn 17km chiều dài bờ biển, trong đó, có 7 đoạn sạt lở lớn đã được xây dựng công trình khắc phục.
Ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBN xã Khánh Tiến, huyện U Minh nhìn nhận: “Khoảng 2010 – 2011 sạt lở tương đối lớn, nhưng mà nhờ cấp trên đầu tư kè ly tâm nên đến nay nó cũng phát huy được tác dụng, giúp bãi bồi trong kè ly tâm. Còn lại cấp trên cũng đã có đi khảo sát, rất mong cấp trên có những xem xét đầu tư sớm. Còn những đoạn chưa đầu tư cũng có hiện tượng sạt lở nhưng mà chưa đến nỗi nghiêm trọng như là những năm trước vô tới phần đê”.
Theo nhận định của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trong mùa mưa bão năm nay, vùng biển phía Tây của tỉnh triều cường thường xuyên dâng cao, kết hợp mưa, giông và sóng với cường độ mạnh liên tục đã phá hủy nhiều đai rừng phòng hộ khu vực này, gây sạt lở đê biển ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa mưa bão nếu không được đầu tư xây dựng kịp thời.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Với tiến độ bố trí vốn hiện nay cũng còn rất chậm, 2 tuyến đê biển Đông và biển Tây cũng mất trên 3 nghìn tỷ đồng, nhưng mà mỗi năm thì chúng ta chỉ bố trí nhiều nhất là năm nay 160 tỷ đồng. Như vậy để đầu tư hoàn thiện tuyến đê biển này thời gian còn rất là dài. Tỉnh cũng chủ động là nơi nào bức xúc thì đầu tư trước, theo cân đối theo nguồn vốn”.
Hiện tỉnh Cà Mau đang kiến nghị các bộ ngành Trung ương xem xét, bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến đê kè với chiều dài 15km ở khu vực biển Tây nhằm tạo điều kiện cho cây mắm mọc tái sinh, khôi phục lại rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ bền vững. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai xây dựng các loại kè bằng các chất liệu khác nhau để khắc phục sạt lở.
Tại Trà Vinh, tỉnh có dài tuyến đê biển dài 65km qua địa bàn 9 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành, với gần 17.500 hộ dân sinh sống; trong đó riêng huyện Duyên Hải có bờ biển dài gần 55km. Để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, địa phương đề nghị Trung ương ưu tiên hỗ trợ triển khai xây hạ tầng và các dự án bức xúc với tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng đê biển gần 750 tỷ đồng, kè chắn sóng hơn 474 tỷ đồng và đê sông 300 tỷ đồng.
Bên cạnh giải pháp công trình, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh sẽ triển khai dự án trồng khoảng 200 ha rừng ở vị trí bên trong kè theo chủ trương của Bộ NN-PTNT. Về lâu dài tỉnh sẽ thực nghiệm làm kè mềm bằng cách trồng rừng ở phía ngoài kè hiện hữu đã xây, để giữ đất gây bồi, tạo thảm rừng thực vật để bảo vệ đê kè.
Ông Nguyễn Văn Trưởng – Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho biết: “Về giải pháp lâu dài là bắt buộc phải trồng rừng ngập mặn để giảm bớt cường độ sóng xâm nhập vào bờ biển, phải tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân trong công tác bảo vệ đê”.
Theo các nhà khoa học, việc ứng dụng Công trình mềm sẽ bền vững hơn trong phòng chống sạt lở do sóng biển ở ĐBSCL. Thực tế cho thấy từ những năm 2007, tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa sạt lở nhưng hiệu quả không cao. Có những điểm sạt lở được xây dựng kè chắn sóng nhưng khi xây chưa xong đã bị sóng cuốn trôi. Các giải pháp thi công rọ đá, cắm cọc… cũng không được xem là tối ưu.
Khắc phục trình trạng này, Viện Kỹ thuật biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu và tìm giải pháp thích hợp cho việc ngăn chặn sạt lở ở đất mũi Cà Mau. Theo đó giải pháp áp dụng là làm kè mềm, rồi tạo đất bồi vào bên trong để trồng rừng ngập mặn ra ngoài, giúp giữ đê phía trong. Khi tạo rừng ngập mặn lan tới đến kè chắn sóng lúc đó lại tiếp tục nhổ kè cắm ra ngoài, giữ đê phía trong. Và khi rừng phủ đến khu vực kè mềm, lại nhổ kè, tiếp tục cắm lan dần ra phía ngoài biển. Theo kết quả của Viện kỹ thuật biển, giải pháp này triển khai ở Cà Mau, số liệu bước đầu đo đạc cho thấy phù sa bồi rất nhanh”.
Không phủ nhận sự hiệu quả của công trình bê tông cứng, song giới chuyên môn cho rằng giải pháp mềm cần được đưa vào ứng dụng. Vì đây là giải pháp căn cơ và ổn định để bảo vệ đê biển lâu dài, nhưng lại ít tốn chi phí đầu tư.
Một vấn đề nữa là để không cho đê biển bị sạt lở, rừng phòng hộ ven biển ở các tỉnh ĐBSCL bị xoá xổ thì công tác quản lý, bảo vệ của các cấp, các ngành cũng cần được tập trung cao độ. Bên cạnh đó là việc đẩy nhanh tiến độ việc trồng rừng phòng hộ được xem là giải pháp tối ưu hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Do vậy rất cần những giải pháp vừa căn cơ, vừa đồng bộ , vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính lâu dài thì ĐBSCL mới hạn chế thấp nhất được những tác hại khôn lường của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra hiện nay.