ThienNhien.Net – Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Nói như GS Lê Huy Bá là “chúng tôi cũng nghĩ rằng mức độ ô nhiễm là đáng báo động, nhưng không nghĩ là nhanh như vậy”.
Đủ nguồn ô nhiễm
Đáng sợ nhất là khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cùng với đó, một lượng lớn nước thải đen kịt sẽ theo nước mưa đổ ra sông Sài Gòn. Nhiều người dân quanh khu xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar tại huyện Củ Chi cho biết: Mỗi khi mưa xuống, một lượng lớn nước rỉ rác đen kịt, hôi thối từ các khu xử lý rác chảy vào tuyến kênh Thầy Cai và tràn cả ra đất sản xuất của người dân, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước khu vực này cũng như môi trường sống, môi trường sản xuất của bà con. Nguy hại hơn, toàn bộ nước thải từ tuyến kênh này sau đó chảy thẳng ra sông Sài Gòn – nơi hàng triệu m3 nước được bơm lên hàng ngày để làm nguồn nước sinh hoạt cho chính người dân thành phố.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi TP Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn nước khu vực xung quanh các đơn vị xử lý rác thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do nước rỉ rác từ khu chứa rác, bùn hữu cơ lộ thiên không được che chắn cẩn thận theo nước mưa chảy tràn ra môi trường bên ngoài và chảy thẳng ra sông Sài Gòn. Nguồn nước ô nhiễm này hiện là nguồn nước tưới của hơn 30.000 ha hoa màu của người dân khu vực ven kênh Thầy Cai trên địa bàn huyện Bình Chánh và Củ Chi. Ngoài nguồn nước rỉ rác ô nhiễm bị chảy ra kênh Thầy Cai còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra tuyến kênh này và đổ ra sông Sài Gòn.
Là một nhà khoa học lâu năm trong lĩnh vực môi trường tại TP Hồ Chí Minh, GS Lê Huy Bá cho rằng, chất lượng nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm nghiêm trọng và mức độ ô nhiễm tăng nhanh hơn dự đoán. Chỉ số lượng ô xy hòa tan (DO) trong nước rất thấp, các hàm lượng khác như amonia, mangan, vi sinh, chất rắn lơ lửng trong nước ngày càng cao cho thấy nguồn nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm về coliform và ô nhiễm dầu. Tình trạng ô nhiễm dầu, trước đây không có, tuy nhiên hiện nay, do tàu bè lưu thông trên sông Sài Gòn quá đông, cộng với việc nhiều doanh nghiệp đổ chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông trong đó có cặn dầu, cũng như nhiều doanh nghiệp thu gom chất thải để xử lý nhưng lại lén đổ cặn dầu ra sông… khiến tình trạng ô nhiễm dầu hiện rất nghiêm trọng trên sông Sài Gòn.
Chưa kể, sông Sài Gòn còn bị ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm hữu cơ từ nguồn nước thải quanh lưu vực sông, cũng như hệ thống nước thải sinh hoạt từ các kênh rạch nội đô. Sông Sài Gòn là một dòng sông chảy chậm do độ dốc nhỏ, lại chảy qua nhiều tỉnh, trong khi các tỉnh phía thượng nguồn lại bố trí các nhà máy, khu công nghiệp đầu nguồn sông như khu vực từ Bình Dương, Bình Phước… cộng với việc các khu đô thị, thị tứ, thị trấn, khu dân cư mới xuất hiện nhanh, phát triển ồ ạt dọc lưu vực sông, khiến mức độ ô nhiễm của sông Sài Gòn thực sự vượt xa tầm kiểm soát.
Sai lầm trong quản lý?
Nỗ lực cứu sông Sài Gòn không chỉ được thành phố đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách mà ngay cả các địa phương trên lưu vực dòng sông này cũng nhận thức được đây là việc cần làm. Tuy nhiên, Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai – sông Sài Gòn đã được thành lập rất lâu, nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp… đều có đặt ra, bàn thảo đủ thứ, nhưng đến nay vẫn gần như chưa có hoạt động gì được triển khai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ này là do không có được sự thống nhất giữa các địa phương, trong khi việc bảo vệ dòng sông lại không phải là việc một địa phương nào đó nỗ lực thì có thể làm được.
Một nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực môi trường cho rằng, trong những năm qua thành phố đã đầu tư khá nhiều tiền cho việc cải thiện môi trường, trong đó có việc cải thiện môi trường sông Sài Gòn, nhưng thành phố cũng có những quyết sách thể hiện sự sai lầm trong nhận thức. Điển hình là việc đầu tư gần 300 triệu USD vào dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn I, mặc dù cảnh quan đã thay đổi nhiều, đẹp hơn, nhưng đến nay, nguồn nước thải từ dòng kênh này vẫn được bơm thẳng ra sông Sài Gòn thông qua hệ thống cống ngầm được đầu tư rất nhiều tiền, mà nước thải thì vẫn chưa qua xử lý. Có thể nói lượng nước thải từ dòng kênh này là một lượng nước thải khá lớn của thành phố, việc bơm thẳng nguồn nước thải này ra sông Sài Gòn đã góp phần đáng kể trong việc làm cho dòng sông này ô nhiễm thêm. Lãnh đạo thành phố cũng từng lý giải, nước thải sẽ được xử lý trong giai đoạn 2 của dự án, nhưng chờ giai đoạn 2 thì biết đến khi nào? Lẽ ra thành phố nên ưu tiên nguồn vốn giai đoạn 1 cho việc nạo vét dòng kênh và xử lý nước thải trước thì sẽ có lợi cho môi trường nhiều hơn.
GS Lê Huy Bá cũng tỏ ra băn khoăn với chủ trương xây dựng hệ thống cống hộp để thu gom nước thải sau đó thải thẳng ra sông. Ông cho rằng, đây là một chủ trương hết sức sai lầm vì không làm giảm ô nhiễm, chưa kể đến việc phải duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống hộp này khi bị bồi lắng… lẽ ra, thành phố nên khai thông toàn bộ hệ thống kênh rạch đã bị lấp do bồi lắng, do ô nhiễm… để trả lại cảnh quan vốn có của nó. Làm như vậy vừa đảm bảo việc giảm ngập, vừa giảm ô nhiễm nguồn nước. Chỉ khi nào thành phố giải quyết được vấn đề ô nhiễm cục bộ trong hệ thống kênh rạch nội thành thì mới có thể giảm ô nhiễm trên sông Sài Gòn.