ThienNhien.Net – Số liệu thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, công nghiệp khai khoáng tiếp tục là ngành có đóng góp lớn và tăng trưởng cao. Trong khi cơ cấu kinh tế các ngành không có thay đổi lớn, nhiều quan điểm đặt ra rằng, phải chăng, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên?
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng cao ở mức 8,15%, đóng góp chung vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của cả nước 0,64 điểm phần trăm và đứng ở vị trí thứ 3 trong các ngành có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GDP. Trong đó, lĩnh vực dầu thô tăng 11%, khí hóa lỏng tăng 8,4%, các sản phẩm khai khoáng khác tăng 12,1%.
Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản mà chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, tăng trưởng công nghiệp theo hướng bền vững và thực chất hơn. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến cho rằng, nhận định trên chưa hoàn toàn chính xác, bởi đóng góp của ngành khai khoáng chỉ chiếm chưa tới 10% và khoảng 90% còn lại là của các ngành khác trong 21 ngành kinh tế cấp 1.
Hơn nữa, tuy trong 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng cao, song, so với cùng kỳ năm 2014 đã giảm khoảng 1,13% trong đóng góp vào tăng trưởng chung GDP.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về các quốc gia khai thác khoáng sản trên thế giới, nếu tính đóng góp của ngành khai khoáng đối với nền kinh tế, nước ta thuộc những quốc gia có hoạt động khai khoáng ở mức độ vừa phải, với sản phẩm từ khai khoáng đóng góp từ 15 – 50% giá trị xuất khẩu của cả nước. Một số lĩnh vực công nghiệp khai khoáng đã không còn phụ thuộc vào xuất khẩu, nhất là than đá, với tỷ trọng xuất khẩu giảm mạnh những năm gần đây.
Theo Bộ Công thương, lượng than đá xuất khẩu của nước ta trong 6 tháng đầu năm nay giảm tới 77% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2014, chỉ ở mức hơn 704.000 tấn trong khi con số của năm 2014 là hơn 4 triệu tấn. Việc lượng than đá xuất khẩu gần đây giảm bắt nguồn từ chủ trương hạn chế xuất khẩu than của Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và nhu cầu sử dụng trong nước. Tuy vậy, nguồn thu từ mặt hàng này không giảm do nhu cầu sử dụng than trong nước tăng cao, và giá than trong nước cũng đã được tiệm cận với giá thị trường thế giới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định, nền kinh tế nước ta đã không còn phụ thuộc quá nhiều từ thu khoáng sản, mặc dù tỷ trọng thu ngân sách từ dầu thô vẫn còn tương đối lớn. Cụ thể, cơ cấu thu ngân sách của nước ta đã cơ bản được điều chỉnh. Chẳng hạn, những năm 90 của thế kỷ trước, thu từ dầu thô chiếm khoảng 25% thu ngân sách nhưng nay chỉ còn khoảng dưới 10%. Song, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nguồn thu này vẫn còn tương đối lớn và cơ cấu thu ngân sách cần sớm được điều chỉnh theo hướng chuyển sang tăng tỷ trọng từ các nguồn thu thuế khác trong nước, đặc biệt là thu từ lợi nhuận và thu nhập của doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, hơn 51,4% tổng thu ngân sách là thu từ nội địa. Điều này cho thấy, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển bền vững hơn, đã cơ bản giảm dần phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu khoáng sản. Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy, công nghiệp khai khoáng tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực chính là than, dầu và khí. Tuy nhiên do nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn nên xu hướng đóng góp của ba lĩnh vực này sẽ ngày càng giảm dần. Và để giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Trong đó nêu rõ, chiến lược phát triển cụ thể theo hướng phát triển kinh tế không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mà tập trung chú trọng các ngành kinh tế như chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, phần mềm, chế biến các nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến…
Về lâu dài, công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm vị trí khá quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của nước ta, đóng góp không nhỏ trong GDP và ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục có những giải pháp tổng thể và đồng bộ hơn để vừa giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, vừa giảm lãng phí tài nguyên trong khai thác và hỗ trợ ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp hiệu quả hơn trong thu ngân sách nhà nước.