ThienNhien.Net – Bàn về vấn đề phát triển ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng lo ngại tình trạng sử dụng kháng sinh quá mức và các chất cấm trong chăn nuôi sẽ phá vỡ ngành này trong thời gian tới.
“Cấm” có lộ trình
Lo ngại việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi cũng như nuôi trồng thủy sản sẽ ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị phải nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý để ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng theo hướng an toàn.
Nói về việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết trong Thông tư 81/2009/TT-BNNPTNT có 28 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Các nước khác cũng cho phép dùng kháng sinh, như Trung Quốc là 24 loại, Mỹ là 49 loại. Tuy nhiên, trong khi sử dụng người ta lại lạm dụng, sử dụng liều cao hơn. Hơn nữa, chúng ta đưa ra 28 loại kháng sinh được phép sử dụng, nhưng có những kháng sinh khác lại không cấm thì cũng đồng nghĩa với việc được phép sử dụng.
Theo ông Dương, việc người chăn nuôi đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi với mục tiêu phòng bệnh sẽ tạo ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Tuy nhiên, việc bỏ sử dụng kháng sinh cần có lộ trình thích hợp vì ngay cả nước phát triển như Mỹ cũng dự kiến đến năm 2018 mới bỏ, còn Trung Quốc thì chưa đưa ra lộ trình.
“Hiện nay, mới có 11 nước trên thế giới không dùng kháng sinh vào kích thích tăng trưởng. Việt Nam không thể nhanh hơn các nước phát triển vì điều kiện chăn nuôi của chúng ta về chuồng trại, về vệ sinh chưa đạt yêu cầu như châu Âu nên nếu bỏ ngay bây giờ thì dịch bệnh sẽ xảy ra rất nhiều”, ông Dương khẳng định.
Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản mới đây, ông Dương đã nêu lên khó khăn trong quản lý chuyên ngành này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đặt thẳng vấn đề “chúng ta vì lợn ít bệnh hay vì sức khỏe người dân”.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu chưa thể cấm sử dụng được tất cả các loại kháng sinh thì cần cấm dần từng nhóm, nhất là nhóm kháng sinh cho người đang được sử dụng trong chăn nuôi.
Mạnh tay với các cơ sở vi phạm
Để ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát và ngăn chặn không cho bán ra thị trường nếu phát hiện thấy việc sử dụng chất cấm. Làm quyết liệt như vậy mới từng bước ngăn chặn được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.Ở lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề xuất: “Phải tổ chức thanh tra đột xuất, còn báo trước thì khi thanh tra không thể tìm thấy dấu hiệu vi phạm. Về sử dụng kháng sinh trong thủy sản, khi tiến hành kiểm tra các đại lý thì không có nhưng khi kiểm tra các hộ nuôi vẫn có tình trạng cho trực tiếp vào ao nuôi. Cần quản lý từ gốc, không cho nhập khẩu các loại chất cấm, kháng sinh không có trong danh mục hoặc phát hiện ra sẽ xử phạt”.
Trước những tồn tại kể trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong những tháng cuối năm, các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp quy để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và vật tư nông nghiệp.
Trong đó, tập trung xử lý những cơ sở xếp loại C sau tái kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để có được sự tham gia của người dân nhằm phát hiện những mặt hàng nông sản có nguy cơ cao.
“Phải làm cho những nỗ lực của ngành có hiệu quả mà cụ thể phải tạo ra sự chuyển biến trên thực tiễn trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản và chất lượng vật tư nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phải thực thi các văn bản pháp quy, nhất là vấn đề sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chủ trương lớn để hướng dẫn người sản xuất và tiêu dùng làm đúng quy trình bảo đảm an toàn nông sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.