ThienNhien.Net – Sạt lở làm đai rừng phòng hộ tại khu vực chỉ còn ở mức trung bình 100 m, giảm gần 1 nửa so với trước đây
Như loạt bài trước chúng tôi đã phản ánh về tình trạng sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thì hiện nay ở vùng này cũng đang đối mặt với một vấn đề đáng báo động khác đó là dọc theo chiều dài bờ biển sóng biển liên tục bào mòn nhiều đoạn đê biển, lấn sâu vào đất liền cả trăm mét mỗi năm.
Hàng loạt nhà cửa, đất sản xuất, rừng phòng hộ và ngay cả một số công trình đê kè vừa xây xong lần lượt bị sóng biển cuốn phăng. Thời điểm hiện nay đang vào mùa mưa, bão, tình trạng sạt lở các tuyến đê biển ở ĐBSCL với tốc độ sạt lỡ ngày càng nhanh và nghiêm trọng.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2009 trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ biển và rừng phòng hộ có tốc độ sạt lở nhanh và nghiêm trọng hơn. Thực tế, qua quan sát, hiện nay các đai rừng phòng hộ ven biển Tây của tỉnh Cà Mau có hình răng cưa. Sạt lở làm đai rừng phòng hộ tại khu vực chỉ còn ở mức trung bình 100 m, giảm gần 1 nửa so với trước đây. Rất nhiều đoạn bị sóng biển khoét sâu đến gần thân đê, nếu không đầu tư kịp thời, có thể cuối năm nay các đoạn đai rừng này sẽ bị mất hoàn toàn.
Ông Nguyễn Tấn Hồng, ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh cho biết: “Ra ngoài ba bốn chục công cây mắm nhiều lắm, mình đi ra tới đó có thể là mình vô không được luôn. Nhưng từ khi cơn bão số 5 năm1997 tới giờ lở dần dần vô, tới 2 năm nay là lở nhiều. Lở có khi nước tràn qua đê xuồng ghe mình có thể qua lại được, bà con mình sống vất vả lắm. Nhờ nhà nước quan tâm đầu tư bờ kè, giờ người dân cũng yên tâm chút, chứ mỗi lần dông gió tới, tôi ở đây hồi năm 1983 tới giờ nhà bị sập 3 lần rồi, mới sập năm ngoái một lần nữa nè. Nói chung người dân ở đây sống vất vả lắm”.
Bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau có chiều dài 154km. Theo khảo sát toàn tuyến của ngành chức năng, diễn biến sạt lở tuyến đê hiện đang ở mức nguy hiểm, có nguy cơ bị phá vỡ , ảnh hưởng đến khu dân cư tập trung với chiều dài hơn 40km.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, người dân sinh sống lâu năm cập đê biển Tây, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết, những con sóng dữ cuốn bật gốc cây rừng phòng hộ diễn ra hàng ngày và ngày càng lớn, nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời thì nguy cơ sạt lở đê là rất cao. Ông Tuấn cho hay: “Tôi ở đây từ năm 1993, tính bề dày rừng từ đây chạy ra biển là 14,5 công tầm lớn mà bây giờ tính ra còn có mấy thước, hiện tượng năm ngoái và năm nay sạt lở thấy ghê. Bây giờ càng ngày càng ấy mà tính ra thì theo tôi nhận định mà dông tố một tháng liên tục như vậy là tới chân đê ngay khúc này”.
Còn tại khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh, gần chục năm nay, hàng trăm hécta đất rừng phòng hộ, đất sản xuất, đất ở bị nước biển xâm thực, gây sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều hộ dân.
Gia đình Lê Tấn Tài, ở khu vực Cồn Nhàn, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải là một trong nhiều hộ dân nơi đây có hoàn cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng sạt lở, mất đất sản xuất. Anh Tài cho biết, trước đây, gia đình khá giả, có thu nhập cao từ việc trồng màu và nuôi cá.
Tuy nhiên, đợt triều cường năm 2010 đã cuốn toàn bộ tài sản, căn nhà và làm thiệt hại gần 1ha đất màu. May mắn, các thành viên trong gia đình không ai bị thiệt mạng, thế nhưng đời sống kinh tế của gia đình anh từ đó rất khó khăn. Hiện gia đình đã dọn nhà vào ở phía bên trong con đê, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ, vì đợt triều cường hồi đầu năm tiếp tục khoét sâu đoạn đê trước nhà anh.
Anh Lê Tấn Tài cho biết thêm: “ Mình cũng thấy lo sợ sóng vô làm sập nhà nên tôi dời nhà vô phía trong. Bây giờ rất là lo mong nhà nước làm lại con đê, có thể ở trồng hoa màu. Nếu mà con đê bị lở không biết phải ở đâu”.
Tuyến đê biển Gò Công , tỉnh Tiền Giang có chiều dài hơn 21km, trong đó đoạn xung yếu 5 km có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống bão, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống cho hàng chục ngàn hộ dân phía Đông của tỉnh.
Gần đây do sự thay đổi của dòng chảy, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã làm cho tuyến đê biển Gò Công bị sạt lở nghiêm trọng. Báo động nhất là khu vực các xã Tân Điền, Tân Phước và Tân Thành, huyện Gò Công Đông, sạt lở đất rừng phòng hộ, nước biển đã xâm thực vào đến tận chân đê.
Còn tại tỉnh Bến Tre, nơi có 65km bờ biển, gần đây do triều cường dâng cao nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Các đoạn đê biển ở cồn Lợi, cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú không những bị sóng cuốn ra biển, mà những hàng dương chắn sóng, chống xói mòn cũng không chịu được sức gió… Bờ biển xã Thạnh Hải có chiều dài khoảng 18km, nhưng trong 5 năm qua đã có đến một nửa bị sạt lở. Đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất dài khoảng 2km từ bãi tắm Tây Đô tới hợp tác xã Thanh Bình. Theo người dân địa phương : ba năm trở lại đây, biển xâm thực hằng năm vào khoảng 15 m. Ấp Thạnh Hải bị sạt lở mất khoảng 5 km.
Trước nguy cơ sạt lở, những hộ dân ở dọc bờ biển đã tự tìm cách khắc phục bằng cách đưa xe vào múc đất hoặc dùng bao cát đắp bờ ngăn cản. Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp trước mắt, không đem lại hiệu quả lâu dài.
Hiện nay, nhiều địa phương các tỉnh vùng ĐBSCL đang tập trung nguồn lực để ngăn chặn làm giảm thiểu tình trạng sạt lở. Bên cạnh các giải pháp công trình để xây dựng, nâng cấp đê biển thì địa phương chú trọng việc tái tạo và trồng mới rừng phòng hộ để bảo vệ đê. Tuy nhiên, cái khó của các tỉnh cũng như ở riêng Bến Tre hiện naylà tỉ lệ diện tích rừng trồng mới, tỉ lệ sống không cao do thiếu đất phù sa ven biển.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói: “Sạt lở của các tỉnh vùng ĐBSCL cũng như Bến Tre rất nhiều. Ở tỉnh Bến Tre đang đối mặt với cái khó là trồng rừng được chỉ ở ven bờ thôi. Khi sạt lở ven biển do tác động sóng đánh vào là đất cát chứ không phải phù sa nên khi trồng rừng cây đước trồng vào đó thì không sống. Hầu hết cây dương trồng 2-3 mùa thì sóng đánh bật hết. Nên giữ được đai rừng là chuyện sống còn của địa phương. Trồng mới để bảo vệ đê là vấn đề đặt ra rất lớn”.
Trước diễn biến của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng phức tạp, tình trạng mưa bão, nước biển dâng ngày càng cao, dẫn đến nhiều tuyến đê biển và rừng phòng hộ ở ĐBSCL không còn đủ sức chống chịu trước sự tàn phá của thiên tai. Trong khi một thực trạng chung của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL hiện nay là việc thiếu vốn để thi công đồng bộ và khép kín các tuyến đê biển.
Tình trạng thi công chấp vá nên công trình vừa gia cố chỉ qua một thời gian ngắn các tuyến đê này đã bị sóng biển san bằng. Nguy cơ nước biển tấn công vào sâu trong nội địa, gây tác hại khôn lường đang hiện hữu ngay trong đời sống của hàng triệu cư dân ĐBSCL.
ĐBSCL phải làm gì và làm như thế nào để có thể bảo vệ các đê biển, hạn chế tình trạng mất rừng phòng hộ hiện nay, trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ có bài đề cập Những giải pháp căn cơ để bảo vệ đê biển ĐBSCL.