ThienNhien.Net – Sau loạt bài “Tan hoang rừng giống A Sờ” được đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh tình trạng lâm tặc khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giống A Sờ (xã Macooih, H. Đông Giang, Quảng Nam) do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn A Vương (BQLRPHĐNAV) quản lý. Sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam đã vào cuộc làm rõ những sai phạm.
Sẽ khởi tố vụ phá rừng
Từ ngày 22-6-2015 đến ngày 25-6-2015, đoàn công tác gồm các lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng chính quyền H. Đông Giang tiến hành kiểm tra, đo đếm thực tế. Đoàn công tác đã xác định tại khu vực rừng giống A Sờ có hơn 50 cây gõ, lim xanh, kiền kiền…, với khối lượng gần 200m3 gỗ bị lâm tặc khai thác.
Trao đổi cùng chúng tôi, Đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng CSĐTTPVKT&CV- Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết: Về quy mô, đây là vụ phá rừng thuộc loại lớn xảy ra tại Quảng Nam. Hành vi vi phạm diễn ra trong một thời gian dài, sát địa bàn dân cư và trên tuyến giao thông huyết mạch là đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khách thể bị xâm hại là rừng giống, là loại rừng được xếp vào diện bảo vệ đặc biệt nhằm mục đích bảo tồn gien và phát triển các loại giống đặc hữu, bản địa của rừng nhiệt đới ẩm tại khu vực miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, để làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm các cơ quan chức năng cần thận trọng trong quá trình thu thập chứng cứ, như: xác định thời gian, khối lượng gỗ, nhóm gỗ bị khai thác… và lập các thủ tục cần thiết để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tổ chức điều tra theo đúng trình tự, thời gian được quy định tại Luật Tố tụng Hình sự. Ngoài việc làm rõ những đối tượng trực tiếp khai thác, có thể phải làm rõ vai trò của những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng tại BQLRPHĐNAV… để việc truy tố, xét xử sau này đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Chủ tịch H. Đông Giang: Cần thiết phải xử lý hình sự
Ngày 23-7, làm việc cùng chúng tôi, ông Đỗ Tài-Chủ tịch UBND H. Đông Giang, trao đổi: Sự việc xảy ra như phản ánh của Báo CATP Đà Nẵng là điều đáng tiếc đối với địa phương. Tôi thừa nhận có sai sót trong quá trình điều hành của mình. Cụ thể, bản thân tôi thường xuyên ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương báo cáo tình hình bảo vệ rừng và không ít lần đi khảo sát thực tế tại khu vực RPHĐNAV. Mỗi lần như vậy đều nhận được những báo cáo chưa đầy đủ về sự việc. Cũng theo ông Tài, với số lượng gỗ bị khai thác trái phép như vậy tại khu vực rừng giống là quá nghiêm trọng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Do vậy, các cơ quan pháp luật cần sớm làm rõ, dù người đó là ai, giữ cương vị công tác nào… để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của chúng tôi về trách nhiệm cũng như quá trình thực hiện công tác bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm tại khu vực RPHĐNAV, ông Đinh Viết Khánh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Giang, cho biết: Theo quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và BQL RPHĐNAV, khi nhận được thông tin cụ thể từ BQLRPHĐNAV, Hạt Kiểm lâm Đông Giang mới cử cán bộ đến phối hợp xử lý. Thông thường, lực lượng Kiểm lâm chỉ tổ chức chốt chặn, tuần tra bên ngoài. Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Đông Giang tổ chức một Trạm Kiểm soát số 2 gồm 3 cán bộ đóng tại địa bàn xã Macooih để kiểm soát lâm sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua không nhận được thông tin gì từ BQLRPHĐNAV nên không tổ chức tuần tra và không nắm bắt được những thông tin như Báo Công an TP Đà Nẵng nêu… Cũng theo ông Khánh, Hạt Kiểm lâm Đông Giang không nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến hành vi khai thác trái phép lâm sản do người dân cung cấp.
Với những thông tin nêu trên, cho thấy rừng giống A Sờ đã bị lâm tặc tàn phá hết sức nghiêm trọng và diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, những thông tin trên đã bị những người có trách nhiệm tại cơ sở bưng bít và đến khi báo chí phản ánh sự việc mới bị phanh phui. Theo chúng tôi, ngoài việc điều tra, làm rõ ai là kẻ trực tiếp phá rừng…, các cơ quan chức năng cần làm rõ vì động cơ, mục đích gì để những cán bộ cấp cơ sở cũng như những cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ rừng giống A Sờ cố tình giấu nhẹm thông tin, tạo điều kiện cho lâm tặc ngang nhiên tàn phá tài nguyên rừng.