ThienNhien.Net – Những tưởng di dời đến khu tái định cư sẽ có cuộc sống tốt hơn, nhưng hiện nay nhu cầu thiết yếu nhất là nước sạch của hơn 30 hộ dân khu tái định cư Hà Tân (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa được đáp ứng. Lời hứa của cơ quan chức năng về một trạm cung cấp nước sạch đã kéo dài 7 năm đến bây giờ vẫn chưa thành hiện thực!
“Đánh liều” dùng nước ô nhiễm
Khu tái định cư Hà Tân nằm trong Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu thương mại-công nghiệp Hà Tân, được Chính phủ phê duyệt năm 2008 với kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị là 16 tỷ đồng; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 3 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Mục tiêu của dự án là đáp ứng chỗ ở, sinh hoạt cho các hộ dân di dời do ảnh hưởng của Dự án khu thương mại-công nghiệp Hà Tân và các địa điểm khác trong khu kinh tế, đồng thời tạo cơ sở vật chất góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân trong khu vực. Mục tiêu là vậy, nhưng đến nay, người dân trong khu tái định cư Hà Tân vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.
Trong khu tái định cư Hà Tân, gia đình nào cũng phải đào ít nhất 3 cái giếng, nhà nhiều thì 7-8 cái, cả giếng đào lẫn giếng khoan nhưng nước đều không sử dụng được. Nước bơm lên nhìn qua thì trong nhưng có mùi rất hôi, tanh. Các dụng cụ chứa nước như bể, xô, chậu đều bị “vàng hóa”. Tại nhà anh Lê Thanh Hải, chúng tôi nhận thấy nước khi bơm lên có mùi hôi, tanh nồng, các dụng cụ chứa nước đều có một màu vàng và một lớp phèn khá dày bám dưới đáy. Anh Hải cho hay: “Hằng ngày, gia đình tôi lọc nước bằng cát, sỏi để lấy nước giặt giũ, tắm rửa. Còn nước để uống và nấu ăn phải đi mua nước đóng chai về dùng. Các đồ dùng trong nhà đều bị “nhuộm” vàng. Bất tiện và thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn”. Để chứng minh cho chúng tôi nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng, anh Hải lấy một chai nước giếng đổ vào cốc nước chè xanh, chỉ sau vài giây, cốc nước chè xanh chuyển sang một màu đen như mực…
Những giải pháp “chữa cháy”
Khu tái định cư Hà Tân hiện có hơn 30 hộ dân thì tất cả các hộ đều không có nước sạch để sử dụng. Cách đây hai năm, chính quyền địa phương đã đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo (nay là Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh) và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh về kiểm tra, đã xác định nước ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng. Sau khi xác định nguồn nước ô nhiễm, Ban quản lý dự án đã cấp cho mỗi hộ một bình lọc nước. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bình lọc nước cũng đã hư hỏng nhiều. Bên cạnh đó, một số hộ mới chuyển đến vẫn chưa có bình lọc nước. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để “chữa cháy”.
Điều đáng lo ngại là tại khu tái định cư Hà Tân có trường mầm non Sơn Tây, có hơn 120 em học sinh. Năm 2013, sau khi kiến nghị, nhà trường được xây hai bể lọc và trang bị một bình lọc nước, nhưng đến nay cả hai bể đều không sử dụng được. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Tây cho biết: “Sau khi bể lọc xây xong, nước trong và không còn mùi hôi tanh nữa. Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy nước vẫn bị nhiễm rất nhiều tạp chất độc hại và không thể sử dụng được. Hiện nay, toàn bộ nước sinh hoạt của nhà trường phụ thuộc vào một bình lọc nước thường xuyên hư hỏng nên không đủ nước để sinh hoạt”.
Năm 2013, UBND xã Sơn Tây đã lấy mẫu nước giếng của các hộ dân thuộc khu tái định cư Hà Tân để gửi đi phân tích đánh giá chất lượng. Kết quả cho thấy, chỉ tiêu sắt vượt giới hạn theo quy chuẩn từ 2,8 đến 3,0 lần. Theo phản ảnh của người dân, sau khi xác định nguồn nước ô nhiễm, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng một trạm cấp nước sạch, nhưng đến nay sau 7 năm chủ trương này vẫn chỉ “nằm trên giấy”.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân khu tái định cư Hà Tân, chính quyền và các cơ quan chức năng cần sớm triển khai xây dựng trạm cấp nước sạch, đây là giải pháp cơ bản và lâu dài nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống và sức khỏe của người dân. Trước mắt, cần hỗ trợ bình lọc nước đối với những hộ chưa được cấp, hỗ trợ kinh phí sửa chữa những bình lọc nước đã bị hỏng.