ThienNhien.Net – Nằm trong khu vực Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (còn gọi là Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng thuộc địa giới ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, được tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2004), Cồn Vành (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) được thiên nhiên ưu đãi về hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và tương đối thuần khiết.
Cồn Vành là khu du lịch nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi nơi đây có bãi biển đẹp cùng triền cát trải dài. Song, để đánh thức tiềm năng du lịch ở Cồn Vành theo hướng bền vững, ngành du lịch tỉnh Thái Bình, chính quyền địa phương đang phải đối mặt với bài toán xử lý rác thải và nguy cơ đuối nước xảy ra tại khu du lịch trọng điểm này.
Chưa có giải pháp xử lý rác thải bền vững
Theo ông Đào Mạnh Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Cồn Vành, Cồn Vành có bãi biển dài gần 7km, hàng ngày lượng rác đổ về đây rất nhiều và tạp nham, chủ yếu là rác từ các sông lớn như sông Hồng, sông Lân, sông Trà Lý khi trôi ra biển, gặp gió lại quẩn và dạt về khu du lịch.
Trung bình mỗi ngày lượng bèo trôi dạt về khoảng 7-8 tấn, chưa kể khoảng 2 tạ rác đủ loại mà các hộ kinh doanh, buôn bán tại khu du lịch này thải ra.
Qua khảo sát của phóng viên, dọc theo bờ biển dài hàng trăm mét hai bên bãi tắm là hai bãi rác lộ thiên trải dài với đủ loại chai, lọ, vỏ dừa… nằm ngổn ngang, chen lẫn với bèo thành từng đống lớn. Đặc biệt, những bao bì đựng phế thải hải sản chưa được chôn lấp bốc mùi khiến du khách cảm thấy khó chịu mỗi khi gió lớn.
Lượng rác thải của quá trình du lịch cũng được quy tụ về hai đầu bãi tắm tạo nên một sự nhếch nhác không đáng có ở khu du lịch.
Ông Đào Mạnh Thắng cho biết thêm, Ban quản lý không có kinh phí để thuê người làm công việc thu gom rác thải ở khu du lịch mà chỉ có một xe chuyên dụng để cào rác nhưng cũng chỉ làm trong khu du lịch (bãi tắm). Lượng rác thu gom được cũng chỉ “ủi” ra hai bên khu vực tắm rồi chôn lấp thủ công chứ chưa thể xử lý dứt điểm được.
Hiện tại, Khu du lịch Cồn Vành vẫn chưa có lò đốt rác hiện đại.
Theo ông Thắng, việc chôn lấp rác ở bãi biển, hàng ngày thủy triều dâng, sóng đánh vào, rác chôn lấp lại trồi lên nên không bền vững được.
Còn với rác thải từ các hộ kinh doanh, mặc dù mỗi hộ đã được cấp một thùng đựng rác nhưng việc đổ rác vào thùng cũng chỉ để “tiện” cho việc thu gom, đưa đi chôn lấp ở dọc bờ biển hai đầu bãi tắm và rất khó để xử lý triệt để.
Đến nay, vấn đề xử lý rác thải ở Khu du lịch ẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, khả thi.
Hàng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Tiền Hải có hỗ trợ ít kinh phí để Ban quản lý khu du lịch Cồn Vành tuyên truyền và xử lý rác, nhưng mới là xử lý thô chứ chưa có cách giải quyết triệt để, bền vững.
Theo Ban quản lý Khu du lịch Cồn Vành, để xử lý vấn nạn rác thải ở đây cần có công nghệ xử lý mới nhưng kinh phí quá “tầm với” của Ban quản lý Khu du lịch.
Tiềm ẩn nguy cơ đuối nước
Một vấn nạn khác làm đau đầu Ban quản lý Khu du lịch là tình trạng đuối nước. Từ cuối tháng 4/2015 đến nay, đã có 4 trường hợp tử vong do đuối nước khi tắm ở bãi tắm của Khu du lịch này.
Ông Đào Mạnh Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Cồn Vành cho biết những năm trước, bãi biển khu vực Cồn Vành có địa chất tương đối phẳng, có thể nói là bãi tắm lý tưởng. Song, gần đây, do tác động của việc khai thác cát trên sông Hồng của các công ty lớn đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.
Mỗi một con nước, dòng chảy lại tạo lạch, xói mòn ở khu gần bờ của bãi tắm tạo ra những hố sâu, dòng chảy ngầm bên dưới nên đuối nước thường xảy ra.
Qua khảo sát của Ban quản lý, khu tắm an toàn đã được khoanh vùng có diện tích khoảng 400m2, được căng dây và dọc tuyến đã có bảng khuyến cáo. Ban quản lý Khu du lịch có 7 người, trong những ngày cao điểm, cả Ban phải tập trung để đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi xuống tắm biển.
Tuy nhiên, Khu du lịch Cồn Vành chưa có chòi canh quan sát, chưa có hệ thống cứu hộ cứu nạn, chưa có trạm y tế sơ cấp cứu khi có biến xảy ra nên để phòng chống nguy cơ đuối nước, Ban quản lý chủ yếu là dùng loa tuyên truyền, khuyến cáo du khách dùng phao, tắm ở khu vực an toàn.
Trên thực tế, Ban quản lý hiện chỉ có 70 chiếc phao bơi, không đủ đáp ứng nhu cầu nên du khách phải thuê phao của các hộ kinh doanh trong khu du lịch. Lượng phao hơi này chưa qua kiểm duyệt nên nguy cơ bất trắc xảy ra đối với du khách là điều khó lường.
Công tác phòng chống đuối nước mặc dù đã được Ban quan tâm, cắt cử một người kiểm soát mặt biển nhưng nhiều du khách chủ quan, bất chấp biển cảnh báo nguy hiểm vẫn vượt qua giới hạn khu tắm an toàn.
Đáng chú ý là qua công tác rà soát, Ban quản lý Khu du lịch đã phát hiện một số hầm (lôcốt) dưới bãi biển, có hầm nằm trong khu vực bãi tắm. Các hầm này trước kia nằm trên bờ, nhưng sau quá trình xâm thực giờ đã nằm dưới bãi.
Thủy triều lên xuống, đập khoét đã tạo ra hố sâu rộng khoảng 60m2, gây nguy hiểm chết người đối với du khách khi sa chân vào đây.
Dù biết mối nguy hiểm này nhưng Ban quản lý Khu du lịch Cồn Vành không thể tiến hành trục vớt các hầm được do không đủ nhân lực và kinh phí.
Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến Cồn Vành, huyện Tiền Hải đã giao cho Ban quản lý một canô do Tỉnh đội Thái Bình cấp. Sắp tới, Huyện đội Tiền Hải sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ Ban quản lý, đào tạo lực lượng tham gia cứu hộ từ Ban quản lý. Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý lực lượng cứu hộ phải thường trực ở ngay cạnh bãi tắm mới có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra đuối nước.