ThienNhien.Net – Tính đến nay, Vườn quốc gia Côn Đảo, nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn và cứu hộ rùa biển, đã cứu hộ, thả khoảng 150.000 rùa con về biển.
Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển có rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên hàng chục nghìn m2. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn là bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, bãi Dương hòn Bảy Cạnh. 5 bãi này được bố trí 5 Trạm kiểm lâm để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Hiện nay, mỗi năm, từ tháng 5 đến tháng 10, có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre lớn, mỗi đêm có 10 – 20 rùa mẹ lên làm tổ.
Rùa mẹ lên bãi đẻ ở Côn Đảo được bấm số để theo dõi bảo vệ trong quá trình kiếm ăn và sinh sản. 6 tiếng sau khi rùa đẻ, khi trứng rùa vẫn còn mềm, các cán bộ kiểm lâm sẽ di chuyển ổ trứng về các hố ấp được bảo vệ.
Mất khoảng 45-60 ngày để trứng trong tổ nở hết, rùa con sẽ cùng nhau tự đào hố cát chui lên và tìm đường ra biển. Ở trong môi trường tự nhiên, các ổ trứng rùa sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như bị loài khác ăn, bị nước biển làm hỏng, rùa mẹ khác đào lỗ đẻ trứng phá tổ hoặc bị quy tặc đánh cắp. Theo tính toán, khoảng 1.000 rùa con ra đời thì chỉ có 1 con sống sót đến khi đủ khả năng sinh sản.
Số lượng rùa biển lên bãi đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Quần thể rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là một trong những quần thể rùa xanh lớn của khu vực Đông Nam Á. Vườn quốc gia Côn Đảo được Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.
Tính đến nay, có trên 150.000 rùa con đã được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%.
Chương trình bảo tồn rùa biển được Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo bắt đầu tiến hành từ năm 1994.