Chưa thấy lợi đâu, chỉ biết sông đang chết

ThienNhien.Net – Đã là sông thì phải chảy, nhưng có những dòng sông bị “thắt cổ” cho tới chết. “Lạm phát” dự án thủy điện đang dần giết chết những con sông vốn là nguồn sinh kế của người dân. Ở tỉnh Hà Giang, thậm chí có những con sông phải “cõng” trên lưng từ 3-6 nhà máy thủy điện.

230715_thuydienNhững dòng sông chết

Hầu như ai đến Hà Giang, dù khách ta hay người phương Tây đều khen Hà Giang đẹp. Đẹp bởi có núi có sông, bởi từ sự hoang dã đến những sắp đặt tài tình của tạo hóa. Những dòng sông như sông Gâm, sông Nho Quế uốn lượn chẳng khác gì những con rồng xanh luồn qua vực thẳm. Sông cứ chảy miết đến tận cùng. Nhưng bây giờ sông không chảy nữa. Sông ứ nước, im lìm bất động.

Nhiều người tâm huyết truy tìm căn nguyên khiến sông “chết”. Thì đây, thủy điện là căn nguyên số 1. Làm thủy điện, người ta phải ngăn sông đắp đập, muốn khóa lúc nào thì khóa, muốn xả lúc nào thì xả. Sông mất hết tự do. Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ năm 2005 đến nay, tỉnh Hà Giang đã được quy hoạch 72 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch là 768,8MW.

Những tưởng hệ thống thủy điện dày đặc được quy hoạch trên hầu hết các con sông ở Hà Giang sẽ dừng lại ở đó. Nhưng liên tiếp trong tháng 3 và 4-2011, tỉnh này tiếp tục quy hoạch bổ sung thêm 2 nhà máy thủy điện nữa. Hai năm sau, tức tháng 4-2013, sau khi rà soát, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng loại khỏi quy hoạch 27 dự án tại tỉnh Hà Giang. Dù đã bị loại bớt dự án nhưng mỗi con sông ở Hà Giang vẫn phải gánh từ 3 – 6 công trình thủy điện.

Việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên một đoạn sông ngắn đã và đang làm biến dạng dòng chảy. Những con sông cuồn cuộn ngày nào đã bị ngăn lại thành những hồ đập khổng lồ. Một số sông lớn như sông Miện, sông Nho Quế, sông Gâm, sông Lô, sông Chừng như đang bị “thắt cổ” vì xây thủy điện tràn lan.

Thủy điện Nho Quế 3 vừa khánh thành
Thủy điện Nho Quế 3 vừa khánh thành

Hàng loạt dự án thủy điện “treo”

Theo khảo sát của chúng tôi, sông Miện đang “cõng” đến 5 nhà máy thủy điện. Sông Nho Quế chảy qua địa phận huyện Mèo Vạc đã được quy hoạch ít nhất 3 nhà máy thủy điện bậc thang. Ngược về phía Tây Bắc với các huyện có địa hình đồi núi dốc với sông Chảy, sông Chừng cũng đang được khai thác bởi hệ thống thủy điện dày đặc.

Người dân ở xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) cho biết họ đang rất lo lắng vì chứng kiến một số hạng mục tại công trình thủy điện Sông Miện 5A chưa đảm bảo an toàn. Khi chúng tôi tận mắt chứng kiến mới thấy những hiểm nguy mà công trình thủy điện này đang tiềm ẩn. Nhà máy đã đi vào vận hành thử nghiệm, hồ nước hàng triệu mét khối đã dâng đầy, dự kiến vận hành trong quý I năm nay. Ấy vậy mà sân tiêu năng của nhà máy này đúng như lời người dân phản ánh là tình trạng hở hàm ếch, trơ khung thép, bê tông bị vỡ vụn.

Sau khi ghi hình, chúng tôi đã gặp ông Hà Đức Luân, Phó giám đốc Công ty thủy điện sông Miện 5. Ông Luân giãi bày: “Thủy điện đã cho chạy thử nghiệm, hiện còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, khi nào hoàn thiện mới cho vận hành nhà máy. Còn việc hư hỏng tại sân tiêu năng, chúng tôi ghi nhận và sẽ khắc phục”.

Cũng liên quan đến lo lắng của người dân về việc xây dựng thủy điện Sông Miện 5A, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang thẳng thắn: “Cũng như việc xây dựng các công trình thủy điện khác, thủy điện sông Miện 5A phải khắc phục sự cố ngay. Thêm nữa là hai bên kè phải được kiên cố lại”.

Theo thông tin mà Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cung cấp, sau khi Bộ Công Thương và tỉnh Hà Giang loại bỏ 27 nhà máy thủy điện ra khỏi quy hoạch thì tỉnh này còn 46 nhà máy, trong đó 13 nhà máy đã đi vào vận hành, 8 nhà máy đang thi công, số còn lại đã khởi công hoặc đã được cho phép đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư… Thế nhưng, hiện nhiều chủ đầu tư không những không chấp hành theo đúng quy định của nhà nước, còn thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình đầu tư xây dựng.

Điển hình là tại Dự án thủy điện Nậm Yên được xây dựng trên địa bàn xã Chế Nà (Xín Mần) với công suất lắp máy là 3,8MW do Công ty CP thủy điện Sông Đà 25 làm chủ đầu tư từ tháng 10-2009. Từ đó đến nay, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị báo cáo tiến độ nhưng chủ đầu tư không báo cáo và cũng không đến làm việc.

Không chỉ thủy điện Nậm Yên, Dự án thủy điện Nậm Hóp tại xã Tiên Nguyên (Quang Bình) có công suất lắp máy theo quy hoạch là 4,8MW do Công ty TNHH Bạch Diệp làm chủ đầu tư từ tháng 5-2010. Và cũng từ đó đến nay, Sở Công Thương Hà Giang không liên lạc được với chủ đầu tư theo địa chỉ, số điện thoại đã đăng ký.

Ngoài các thủy điện nói trên thì hàng loạt dự án thủy điện khác cho đến bây giờ vẫn chỉ là “quy hoạch treo”, như thủy điện Sông Miện 6; thủy điện Sông Chảy 3 và Sông Chảy 4 đều với công suất 6,3MW ở huyện Hoàng Su Phì; dự án thủy điện Sông Lô 3, thủy điện Sông Lô 5, thủy điện Phương Độ.

Người dân chỉ còn trông chờ vào tiền dịch vụ môi trường rừng
Người dân chỉ còn trông chờ vào tiền dịch vụ môi trường rừng

Dân khổ vì “lạm phát” thủy điện

Khi xây dựng và phát triển thủy điện, ngoài nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, từ năm 2011 đến nay, các chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng như các thủy điện trên cả nước phải đóng thêm một số loại phí như phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này sẽ được trả cho nhân dân vùng thượng lưu nơi có nguồn nước chảy về các nhà máy thủy điện.

Tuy nhiên, tính đến nay, các cơ sở sản xuất điện ở Hà Giang vẫn nợ dân số tiền dịch vụ môi trường rừng đó. Người dân tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi, các nhà máy thủy điện bán điện với giá cao tại sao không hoàn thành nghĩa vụ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong khi đó người dân đã phải nhường đất sản xuất để xây dựng thủy điện. Thậm chí có những hộ dân phải chịu cảnh đói nghèo chỉ vì “lạm phát” thủy điện.

Chúng tôi đã đến một số nhà máy thủy điện tìm gặp các chủ đầu tư để nghe trả lời thì được biết, thủy điện công suất nhỏ nhưng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng lại lớn. Ngoài ra còn phải nộp thuế, chi phí đầu tư, sửa chữa nhà máy, lương cán bộ công nhân và nhiều khoản chi phí khác gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cứ nằng nặc kêu khó khăn và trốn tránh trách nhiệm. Dân vì hiểu biết hạn hẹp, lại cả tin vào những lời hứa chi trả để rồi mất luôn cả niềm tin vào những dự án “ngọt ngào” mà trước đó doanh nghiệp đã vẽ ra với địa phương.