ThienNhien.Net – Theo dữ liệu từ ghi chép nhiệt độ toàn cầu, sáu tháng đầu năm nay là khoảng thời gian nóng nhất trên Trái Đất trong suốt 135 năm qua.
Bản báo cáo mới nhất do Cơ quan Khí tượng và Hải dương Quốc gia (NOAA) trực thuộc Chính phủ Mỹ cho thấy, tháng Ba, tháng Năm và tháng Sáu vừa qua là những tháng nóng nhất so với cùng kỳ năm 1880, trong khi tháng Một và tháng Hai là những tháng nóng thứ hai.
Trái Đất đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây, từ những trận mưa xối xả ở Thổ Nhĩ Kỳ và thung lũng Ohio, tới nhiệt độ tăng cao bất thường ở Alaska và Tây Ban Nha. Tháng Sáu vừa qua, nhiệt độ tại Anh và Mỹ lên cao đã gây ra hàng loạt vụ cháy rừng.
Không chỉ cao bất thường, nhiệt độ còn tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Jessica Blunden, một nhà khí hậu học thuộc NOAA cho biết, nhiệt độ trung bình của Trái Đất hồi tháng Sáu là 16,33 độ C, cao hơn kỷ lục năm 2014 là 0,12 độ C. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất sáu tháng đầu năm nay là 14,35 độ C, tức là cao hơn kỷ lục năm 2010 là 0,09 độ C. “Đây là một khoảng cách rất lớn,” tiến sỹ Blunden nhận định.
Nhiệt độ Trái Đất tăng cao đột biến có thể là do El Nino, một hiện tượng thời tiết không thường xảy ra và được gắn với những thay đổi khí hậu cực đoan. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng El Nino là lý do giải thích cho việc nhiệt độ tăng cao, đồng nghĩa với việc Trái Đất đang tiến vào năm nóng nhất của mình tính từ khi xuất hiện các ghi chép về nhiệt độ.
Những dữ liệu mới nhất cho thấy một số hiện trượng bất thường. Chẳng hạn, tháng Sáu vừa rồi tại Alaska là tháng nóng nhất trong vòng 100 năm qua, nhưng ở vùng Scandinavi, nhiệt độ lại thấp hơn so với trung bình hàng năm. Một số nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ có lượng mưa cao gấp đôi so với bình thường, trong khi một số nơi ở Australia đã trải qua tháng Sáu nóng kỷ lục.
Tại Mỹ, New England đã trải qua mùa Đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử, với lượng tuyết rơi dày kỷ lục ở Boston, trong khi cháy rừng hoành hành ở miền Tây và bão lớn cùng lũ lụt ập vào nhiều nơi khác trên đất nước.