Khởi động dự án lớn chưa từng có tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

ThienNhien.Net – Nhà vật lý thiên văn số một thế giới Stephen Hawking ngày 20/7 đã khởi động dự án nghiên cứu lớn nhất của ông về các nền văn minh ngoài Trái Đất.

Đây là một dự án nghiên cứu chuyên sâu tìm hiểu về vũ trụ kéo dài trong khoảng 10 năm, với chi phí lên tới 100 triệu USD.

Phát biểu nhân sự kiện nói trên tại Viện Nghiên cứu Xã hội Hoàng gia ở London, ông Hawking cho rằng trong vũ trụ bao la chắc chắn phải tồn tại các dạng sự sống khác ngoài hành tinh của chúng ta và đã đến lúc loài người cần đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn này thông qua việc tìm kiếm các sự sống ngoài Trái Đất.

Giáo sư Stephen Hawking trong giờ giảng tại Viện nghiên cứu khoa học Bloomfield ở Jerusalem ngày 10/12/2006 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giáo sư Stephen Hawking trong giờ giảng tại Viện nghiên cứu khoa học Bloomfield ở Jerusalem ngày 10/12/2006 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự án nghiên cứu trên mang tên “Breakthrough Listen” (Sự lắng nghe đột phá), sẽ được thực hiện thông qua việc sử dụng những hệ thống kính thiên văn lớn và hiện đại nhất trên Trái Đất, theo dõi hàng triệu ngôi sao và hàng trăm dải Ngân hà.

Cuộc nghiên cứu này sẽ mở rộng không gian tìm kiếm gấp 10 lần so với các nghiên cứu hiện nay.

Các kính thiên văn có thể phát hiện ra những tín hiệu phát đi từ trung tâm của dải Ngân Hà nhờ các thiết bị công nghệ hiện đại hiện nay. Khả năng phát hiện này có thể cao gấp ít nhất 5 lần và nhanh gấp 100 lần so với phổ sóng vô tuyến.

Tỷ phú người Nga Yuri Milner, người tài trợ cho dự án, cho biết đây sẽ là nghiên cứu khoa học chuyên sâu nhất tìm hiểu về những dấu hiệu của nền văn minh ngoài vũ trụ.

Trước đây, cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự sống ngoài Trái Đất, chẳng hạn như kế hoạch Darwin của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tìm kiếm những hành tinh giống với Trái Đất và phân tích khí quyển của chúng, hay Kế hoạch tương tự do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tiến hành…

Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được một số hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có thể có lợi cho sự sống phát triển do có dạng tương đối giống với Trái Đất, như Gliese 581 c hay OGLE-2005-BLG-390Lb.

Nguồn: