ThienNhien.Net – Hội động vật học Frankfurt (FZS) và Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam sẽ hợp tác trong công tác hỗ trợ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ động thực vật hoang dã và các hệ sinh thái rừng ở khu vực này.Trong lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết, với điều kiện về địa lý và khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, các hệ sinh thái rừng và sự đa dạng sinh học của nước ta đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân như khai thác không bền vững, nạn săn bắt, buôn bán trái pháp luật. Do đó, nếu không có những hành động kịp thời thì các hệ sinh thái rừng và các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam sẽ có nguy cơ đe dọa suy giảm và dẫn tới tuyệt chủng trong tương lai không xa.
Theo thỏa thuận hợp tác, FZS sẽ hỗ trợ một số vườn quốc gia và khu bảo tồn tại miền Trung và Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật, bảo tồn động thực vật hoang dã và bảo vệ hệ sinh thái rừng (gồm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum).
Bên cạnh đó, việc hợp tác cũng thúc đẩy hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học qua xây dựng các kế hoạch hành động bảo tồn, khu vực bảo tồn mới, đề xuất dự án, tổ chức hội thảo, tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật, kỹ năng nghề và các hoạt động có liên quan khác mà hai bên quan tâm.
FZS cũng sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho kiểm lâm, cán bộ của các vườn quốc gia và khu bảo tồn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cùng với đó, tổ chức này sẽ hỗ trợ công tác giáo dục bảo tồn thiên nhiên, giám sát đa dạng sinh học tại vườn quốc gia và khu bảo tồn đã nêu trên.
Hỗ trợ một số trang thiết bị cần thiết cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học; hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài thú linh trưởng Việt Nam.
Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn nêu trên. Vào thời điểm thích hợp các kết quả nghiên cứu sẽ được cùng nhau xuất bản thành tài liệu chung. Các tài liệu này có thể bao gồm các báo cáo cho các nhà quản lý bảo tồn, các kế hoạch hành động bảo tồn loài và hệ sinh thái và các thông tin trên mạng cho mọi người tham khảo.
Hội động vật Franfurt đã hỗ trợ xây dựng thành công Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Cúc Phương vào năm 1993. Đây là trung tâm cứu hộ linh trưởng đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và đã cứu hộ, nghiên cứu, gây nuôi sinh sản, tái thả hàng trăm cá thể các loài linh trưởng quý hiếm vào tự nhiên.
Đến nay, Trung tâm vẫn đang phát triển bền vững và là lá cờ đầu trong công tác cứu hộ, bảo tồn, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên về các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam.