ThienNhien.Net – Ô nhiễm bủa vây các làng trồng hoa, khu công nghiệp. Nơi lại hàng trăm chiếc tàu hút cát chọc “vòi bạch tuộc” hút bãi bồi khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Môi trường sống đang bị hủy hoại chưa từng thấy.
Trời nắng, giữa cánh đồng hoa Mê Linh (Hà Nội) vẫn mù mịt một thứ như hơi sương, mùi nồng nặc đó là thuốc trừ sâu. Vỏ thuốc trừ sâu vương vãi khắp nơi từ mặt ruộng cho tới lòng kênh, mặt đường. Nước kênh đen kịt, mùi hăng hắc xộc thẳng lên mũi, đi qua cũng thấy váng đầu. Đất “ngậm” thuốc chai lại như sỏi đá. Khung cảnh ô nhiễm bao trùm.
Vô tội vạ
Thấy tôi định bứt một chiếc lá trên cành hoa hồng, bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (Mê Linh – Hà Nội) vội ngăn lại: “Chú đừng có động vào, hoa vừa đánh thuốc nấm đấy, bị sao tôi không chịu đâu”.
Tôi bất thần rụt tay lại.
Nhà bà Hoa có 5 sào hoa hồng đỏ đã trồng được gần chục năm nay. Trồng hoa thì được cái kinh tế nhưng nhiều sâu bệnh, chi phí thuốc trừ sâu lớn. Nhện, sương mai, nấm trắng… bệnh gì cây hồng cũng mắc phải.
Thông thường, cứ 10 ngày, chồng bà Hoa lại vác bình ra đồng một lần. Trung bình, mỗi sào phun hết 4 bình thuốc, cộng các loại thuốc vào nhau mà “diệt”. Chi phí mỗi sào hết khoảng 300 nghìn đồng.
“Ấy là ngày thường thôi chú, đợt nào sâu bệnh nặng như giáp Tết, ngày nào nhà tôi chả phải đánh thuốc. Đánh hôm trước bị mưa, hôm sau lại đánh tiếp. Mà thuốc càng nặng, càng độc thì mới hiệu quả. Cứ có tiền ra đại lý mua là xong, thiếu gì”, bà Hoa kể. “Một năm nhà chị chi bao nhiêu tiền mua thuốc trừ sâu”, tôi hỏi.
Bà Hoa nhẩm tính: “Có bữa ra đại lý mua hết 2 – 3 triệu, dùng có khi vài ngày mới hết, nhưng một năm chắc cũng mất khoảng 50 – 60 triệu gì đó”. Tính ra, mỗi sào hoa hồng, một năm phải phun trên dưới chục triệu tiền thuốc sâu.
“Phun xong thì cứ vứt đấy, ai có tiền thì tự xây hố. Cũng có nhiều người đánh thuốc xong bị dị ứng, ngứa nhưng rồi cũng quen”, bà Hoa thủng thẳng.
Tôi lại hỏi, làm thế sao tránh được ô nhiễm môi trường, người phụ nữ im lặng giây lát rồi bảo: “Thì lâu năm như thế, kiểu gì đất, nước chả bị ngấm thuốc trừ sâu”.
Những ngày miền Bắc nắng như đổ lửa, người trồng hoa ở Mê Linh có một “kinh nghiệm” truyền tai nhau đó là đánh thật nhiều thuốc mát… để chống nóng cho cây dù không có sâu bệnh.
Ông Nguyễn Đình Quảng, thôn Hạ Lôi, người có thâm niên 20 năm trồng hoa bảo với PV rằng, chuyện đó không có gì là lạ. Nắng nóng, cây khô đét lại, tưới nước cũng không ăn thua mà phải đánh thuốc mát.
Theo họ, đó là những loại thuốc chuyên dùng để diệt nấm. Vài ngày, ông Quảng lại ra đại lý tha một đống thuốc nấm “làm mát” cho hoa.
Không riêng tại Mê Linh, nhiều vùng trồng hoa khác như Tây Tựu, Song Phượng (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên) đều có tình trạng người dân sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ. Chính những người dân nơi đây cũng đang lờ mờ nghĩ đến viễn cảnh của một làng ung thư. |
“Khi hoa bị bệnh, phải dùng thuốc kịch độc chú ạ, mấy loại thảo mộc gì đó không ăn thua. Cứ ra đại lý thấy thuốc gì mới thì mua thôi, đắt rẻ không quan trọng lắm”, ông Quảng tâm sự.
Vừa thu xong mẻ hoa hồng, anh Nguyễn Quang Sáng, thôn Hạ Lôi ngồi thở hổn hển trên bờ. Nhà trồng một mẫu, anh Sáng cũng khẳng định, mùa này mà không đánh thuốc mát thì cây hoa không sống nổi.
Tôi hỏi, sao phun xong không bỏ gọn vỏ thuốc để người ta thu gom, Sáng đáp: “Giờ mạnh ai người nấy làm, cứ vứt đầu bờ thôi. Mà hình như trong thuốc diệt cỏ nghe nói có chất gì giống như đi ô xin ấy nhỉ. Biết cả nhưng vẫn dùng cho nhanh, vừa đỡ mất công lại đỡ tốn sức. Nhưng mà khéo mấy nữa cả làng ung thư hết thì chết”. Nói xong, Sáng cười vẻ sảng khoái lắm. Tôi không biết nói gì.
Đảo một vòng quanh xã Mê Linh, đập vào mắt tôi đâu đâu cũng thấy cửa hàng thuốc BVTV. Quy mô thì đủ loại từ một gian nhỏ cho tới cửa hàng to uỳnh, biển hiệu sáng loáng. Như cái xóm Đường bé như lòng bàn tay, dọc con ngõ nhỏ mà có đến 3 – 4 nhà bán thuốc trừ sâu.
Ấy vậy, khách đến mua hàng vẫn đông nườm nượp. Xóm Đình, xóm Chợ bên cạnh khung cảnh cũng không kém phần tấp nập. Nhiều cửa hàng nhỏ, xe máy xếp tràn ra đường, lố nhố người đeo bình thuốc chen nhau vào mua hàng. Đếm sơ sơ, cả xã Mê Linh cũng phải có không dưới 20 cửa hàng thuốc BVTV. Chủ đại lý Hiền Nhung (xã Mê Linh) không tiết lộ một tháng bán được bao nhiêu thuốc, chỉ bảo “cũng ít thôi”. Người này xác nhận, việc người dân dùng các thuốc trị nấm để làm mát cho hoa là có thật: “Việc đó ở đây người dân quen rồi.
Tôi luôn nhắc họ mùa đông phun khác mùa hè, dùng liều lượng như thế nào cho hợp lý nhưng không ăn thua. Họ cứ bảo, bán cho em đúng loại thuốc đó, bằng đấy gói, bao nhiều tiền cũng được. Họ về tự phun, không hết bệnh mai lại ra đòi mua loại thuốc nặng hơn. Nói chung là nhà nào nhiều tiền thì phun nhiều, ít tiền thì đầu tư ít”.
Quanh những làng trồng hoa, đại lý thuốc BVTV mọc lên như nấm
Theo thống kê của Trạm y tế xã Mê Linh, 6 tháng đầu năm toàn xã có 27 người chết. Trong đó, có 7 người chết vì căn bệnh ung thư. Người trẻ nhất mới 15 tuổi, bị ung thư máu. Hầu hết những người chết vì ung thư ở đây đều không biết căn nguyên. |
Chủ đại lý này còn cho biết, trước đây, dọc các ruộng hoa đều được bố trí thùng nhựa đựng vỏ thuốc nhưng bị trộm lấy mất. Giờ thì, khắp nơi trắng vỏ, lọ thuốc trừ sâu, chẳng ai quan tâm. Nếu như có một bài toán về lượng thuốc trừ sâu người dân Mê Linh đổ xuống đất, nước hơn 20 năm qua, kết quả chắc chắn sẽ rất khủng khiếp.
Hết cách rồi!
Khi được hỏi về vấn đề môi trường quanh làng hoa, một cán bộ môi trường xã Mê Linh cười rồi lắc đầu, ô nhiễm lắm anh ạ, vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường mãi không được, hết cách rồi.
Theo vị này, trước đây, UBND xã cũng thành lập những tổ đi thu gom vỏ thuốc trừ sâu nhưng nay không còn người làm. Giờ thì mạnh ai nấy vứt, chả còn ai đi thu gom. Thuốc trừ sâu ngấm xuống đất, chảy ra con kênh khiến nguồn nước ngày một ô nhiễm trầm trọng. Dưới lòng kênh, ngồi tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy một con cá mồ côi nào bơi qua.
“Nhiều hôm tôi đi qua đúng lúc người dân đánh thuốc, ngạt thở không chịu nổi. Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe dù không trồng hoa”, vị cán bộ môi trường xã thở dài.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó trưởng Trạm y tế xã Mê Linh cho hay, hiện người dân nơi đây vẫn đang sử dụng 100% nguồn nước từ giếng khoan. Được hỏi về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, bà Bình khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Ở đây chúng tôi toàn khoan sâu 20 – 30 mét thôi, làm sao mà ngấm được. Nước máy thành phố chắc gì đã ngon và sạch như giếng khoan. Còn ăn giếng đào chắc chắn bị ngấm thuốc sâu, may mắn người dân bỏ hết rồi”.
Theo bà Bình, cái nhìn rõ nhất ở Mê Linh là ô nhiễm không khí. Thuốc trừ sâu được phun bằng máy, bay mù mịt cả cánh đồng, nhiều hôm ngồi trong trạm y tế vẫn nồng nặc. Người trực tiếp phun thuốc thì bảo hộ sơ sài, thanh niên trai tráng chưa đổ bệnh nên coi thường sức khỏe. Người hái hoa cũng có nguy cơ nhiễm độc khi bị gai hoa đâm vào người. Điều đặc biệt, ở thôn Hạ Lôi, căng mắt cũng chẳng thấy một nhà nào còn nuôi cá. Hồ, ao còn đó nhưng chắc chỉ còn mấy con lăng quăng, bọ gậy sống.