ThienNhien.Net – Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn PGS,TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Việt Nam.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nâng sản lượng khai thác dầu thô năm 2015 lên 16 triệu tấn, nhiều hơn năm 2014 là 400 nghìn tấn để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Trên thế giới, người ta đang bàn tới việc OPEC có nên khai thác thêm dầu hay không. Lý do họ muốn hạn chế sản lượng dầu thô là bởi giá dầu thấp. Nếu khai thác nhiều trong bối cảnh giá thấp thì lợi nhuận ít. Quyết định nâng sản lượng dầu thô của Việt Nam nằm trong điều thế giới băn khoăn. Nhưng trong bối cảnh của Việt Nam, việc nâng sản lượng khai thác dầu thô cũng là điều dễ hiểu bởi Việt Nam đang đứng trước bài toán không nhỏ về thu ngân sách và nợ công. Nếu giảm sản lượng khai thác dầu thô chúng ta sẽ không có giải pháp nào hiệu quả ngay để bù đắp thu chi.
Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế việc Việt Nam quyết tâm nâng sản lượng khai thác dầu thô lên cũng có những bất lợi. Đó là chúng ta phải bán tài nguyên với giá rẻ để lấy tiền tiêu chứ không phải khai thác tài nguyên theo hướng có hiệu quả cao.
Như vậy chúng ta phần nào có thể hiểu được vì sao phải tăng khai thác dầu thô trong năm 2015. Song, có một câu chuyện đã nói từ lâu, đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nhưng với việc năm 2015 vẫn phải tăng khai thác dầu thô để đạt tăng trưởng, dường như, hiệu quả của chủ trương này vẫn chưa được như mong đợi?
Nhiều năm nay chúng ta tăng trưởng dựa trên các lợi thế so sánh có sẵn như tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động giá rẻ. Chúng ta cũng đã đặt ra mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, chú ý hơn về chất, với giá trị gia tăng cao. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn phải dựa tăng trưởng nhiều vào khai khoáng, trong đó có khai thác dầu thô. Điều đó có nghĩa mô hình tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào tài nguyên thô hơn là dựa vào chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ chất lượng cao như dịch vụ ngân hàng công nghệ cao, tài chính công nghệ cao, vận tải công nghệ cao hay dịch vụ công nghệ thông tin viễn thông…
Việc phải tăng sản lượng khai thác dầu thô cho thấy mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên còn tiếp tục. Đây là điều cần lưu ý.
Nguồn tài nguyên nào cũng có hạn, sau nhiều năm khai thác, Việt Nam sắp phải NK than. Hình ảnh ngành than cũng có thể thấy ở khai thác dầu thô trong tương lai?
Nói chung những sản phẩm ở lợi thế so sánh bậc thấp như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ đều ở mức có giới hạn. Việc khai thác than đang dần cạn kiệt. Trữ lượng dầu thô khai thác cho xuất khẩu cũng không còn nhiều, có người nói chỉ 10 năm nữa, trong khi việc thăm dò thêm các mỏ mới cũng rất khó khăn. Cho nên về lâu dài triển vọng tăng trưởng dựa vào khai khoáng là không bền vững.
Dẫn chứng nào cho thấy mô hình kinh tế đang dần chuyển đổi sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, áp dụng công nghệ cao, thưa ông?
Hiện nay việc chuyển sang các ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao không phải nhen nhóm nữa mà đã thực hiện và trong một số lĩnh vực đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Nhìn lại 30 năm Đổi mới, chúng ta đã có được một số ngành công nghiệp như thủy điện, năng lượng, cơ khí, giấy. Từ thời kỳ đổi mới chúng ta đã phát triển tương đối tốt một số ngành như công nghệ viễn thông. Song chúng ta có nhiều sai lầm, Vinashin là điển hình của việc sử dụng những con người thích tiêu tiền hơn là coi trọng phát triển công nghệ, vì thế họ sẵn sàng mua tàu thép gỉ để rút tiền ngân sách.
Nhìn chung, việc thay đổi mô hình tăng trưởng đã được tiến hành song còn chậm. Đã đến lúc phải xem xét và đánh giá lại, ngành nào có lợi thế, có thể làm được thì tập trung làm. Chúng ta cần học Hàn Quốc, Nhật Bản. Sau 30 năm họ đều là các nước có nền công nghiệp hiện đại, còn chúng ta sau 30 năm Đổi mới vẫn là nước thu thập trung bình thấp, thoát khỏi nước nghèo nhưng vẫn rất dễ tái nghèo. Nếu chỉ dựa vào khai thác các sản phẩm thô, lợi thế thấp, giá trị gia tăng thấp thì còn rất lâu Việt Nam mới thành nước công nghiệp. Chúng ta có nhiều cơ hội, quan trọng là phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực cụ thể, tránh phát triển theo kiểu mô hình quả mít, tức ngành nào cũng là mũi nhọn.
Việt Nam có nhiều lợi thế và Việt Nam tranh thủ những lợi thế đó để phát triển. Nhưng đáng nói là chúng ta lại quá phụ thuộc vào các lợi thế ấy. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có ít tài nguyên nên họ tận dụng ngay tiềm năng con người và đạt được thành công. Nhưng Việt Nam có lợi thế tài nguyên thiên nhiên thì lại chỉ dựa vào tài nguyên mà ít chú ý đến khai thác nguồn lực con người, có chăng chỉ là tận dụng nguồn lao động giá rẻ với kỹ năng thấp. Cho nên những lợi thế của Việt Nam chưa được phát huy hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!