ThienNhien.Net – Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm thì kim ngạch xuất khẩu sắn tiếp tục tăng tốc và dự kiến đạt con số 1,5 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển sắn bền vững và không ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng là những vẫn đề được nêu ra tại buổi Tọa đàm “Phát triển sắn và bảo vệ rừng ở Việt Nam: Thực trạng và ý nghĩa về chính sách” được diễn ra chiều 17/7, tại Hà Nội.
Vượt quy hoạch 110 nghìn ha
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sắn đa dạng, tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt từ 10-15%. Cả nước có 94 nhà máy chế biến công suất lớn cùng hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ với hơn 10 triệu tấn củ tươi đầu vào mỗi năm, sản phẩm phục vụ 30% thị trường nội địa và 70% xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành sắn vẫn đang trên đà phát triển cả về mặt diện tích và quy mô chế biến. Đến nay, diện tích sắn đạt khoảng 560 nghìn ha, cao hơn 110 nghìn ha so với kế hoạch đề ra. Sự phát triển của ngành sắn là do động lực của thị trường đem lại, đặc biệt là xuất khẩu. Trong khâu chế biến, yêu cầu vốn đầu tư ban đầu ít, hiệu quả quay vòng vốn nhanh so với các loại hàng hóa nông sản khác là điều kiện thuận lợi khuyến khích đầu tư, mở rộng năng lực chế biến, bất chấp những kết nối lỏng lẻo giữa nguồn cung nguyên liệu đầu vào và vị trí địa lý của các nhà máy chế biến hiện đang tồn tại. Đến nay, sản xuất sắn vẫn chủ yếu theo hình thức quảng canh, với sản lượng tăng chủ yếu là do mở rộng diện tích. Các diện tích sắn được mở rộng trong thời gian gần đây chủ yếu trên nền đất lâm nghiệp.
Theo ông Phúc, sắn là nguồn sinh kế quan trọng đối với đồng bào dân tộc đặc biệt các hộ nghèo, bên cạnh đó, động lực thị trường phát triển sắn vẫn tiếp tục tăng, ngành công thương đề nghị tăng diện tích trồng sắn lên 650.000- 700.000 ha. Tuy nhiên, cho đến nay, sản xuất sắn ở Việt Nam vẫn đang ở dạng quảng canh, như vậy, việc mở rộng diện tích sắn có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ rừng… Ông Phúc khuyến nghị, cần phải xác định mối quan hệ và vị thế của ngành sắn trong bảo vệ rừng và sinh kế của người dân, quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đồng thời, cần có sự liên kết đa ngành giữa ngành công thương và ngành lâm nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng sắn nhằm tạo giá trị gia tăng, cải tiến giống và nâng cao trình độ canh tác.
Cần xác định là cây kinh tế
Ông Nghiêm Minh Tiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam cho rằng, với nhu cầu trong nước làm thức ăn chăn nuôi và làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học ethanol, và nhất là nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc đối với sản phẩm sắn vẫn đang tăng mạnh, đây là tín hiệu thị trường cho người nông dân, người trồng sắn tiếp cận với nhu cầu khách quan.
Trong khi những vùng trồng sắn chủ yếu là vùng dân nghèo, người trồng rừng không sống được với những sản phẩm họ làm ra thì họ buộc phải chọn một cây tiên phong dễ trồng không yêu cầu kỹ thuật cao mà đem lại thu nhập ổn định cho họ. Ông Tiến cho biết, năm 2015, dự kiến xuất khẩu trên 4 triệu tấn sắn với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Đây là con số thực sự có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh kim ngạch của nhiều mặt hàng nông sản đang giảm mạnh.
Theo ông Tiến, việc diện tích trồng sắn tăng vượt quy hoạch 110 nghìn ha không phải do quảng canh mà do sự dịch chuyển từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng sắn. Để hạn chế việc phá rừng trồng sắn và trồng vượt quy hoạch cần nâng cao năng suất cây trồng thông qua giống hay sử dụng các biện pháp thâm canh, luân canh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trí Ngọc- Nguyên cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) cho rằng, cần thay đổi nhận thức về cây sắn với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm và trong vòng 5 năm tới thì nhu cầu thị trường tăng từ 10- 15%, nhiều nhà máy sản xuất ethanol trong nước phải đắp chiếu vì không có nguyên liệu thì cần phải coi cây sắn là cây có giá trị kinh tế và khai thác giá trị này.
Về nguy cơ phá rừng trồng sắn, theo ông Ngọc, cần phải kiểm soát diện tích trồng sắn nhất là khu vực trồng sắn gắn với rừng, bên cạnh đó, cần phải coi rừng là phát triển kinh tế chứ không được coi là tài nguyên, chính vì việc coi đất rừng là tài nguyên dẫn đến việc người dân phá rừng trồng sắn. Bên cạnh đó, cần phải có các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng vụ, đưa vào các giống mới cho năng suất cao, đây là biện pháp quan trọng để vừa bảo vệ rừng vừa phát triển sắn đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, việc các doanh nghiệp chế biến khai thác tối đa các sản phẩm từ cây sắn là yếu tố rất quan trọng trong việc nâng giá trị của cây sắn.
“Nếu không thay đổi tư duy quyết liệt thì chúng ta sẽ mãi dậm chân tại chỗ, sản xuất kém hiệu quả, giá trị gia tăng của ngành không được nâng cao trước một sản phẩm nông nghiệp đầy tiềm năng là cây sắn”, ông Ngọc nhấn mạnh.