ThienNhien.Net – Nhiệt điện than đang là mối đe dọa cho môi trường và sức khỏe con người. Theo nghiên cứu của tổ chức Hòa Bình Xanh (Green Peace), Đông Nam Á đang là vùng thứ 3 trên thế giới về công suất nhiệt điện. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia sẽ tiếp tục chọn nhiệt điện…
Phát triển nguồn điện cho quốc gia nhưng vẫn đảm bảo an toàn là chủ đề chính của hội thảo “Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện tại Đồng bằng sông Cửu Long”, do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ cuối tuần qua.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc trung tâm năng lượng thuộc Viện năng lượng, Bộ Công thương, nếu GDP tăng 1% thì nhu cầu điện năng cả nước sẽ tăng lên 2%. Như vậy, thách thức lớn cho Việt Nam sẽ là các nguồn cung điện cho tất cả các hoạt động như an ninh quốc gia, sản xuất, sinh hoạt của người dân…
Hiện nay, bên cạnh các nguồn khai thác điện như dầu khí, thủy điện, phong điện… thì nhiệt điện đang là một lựa chọn tối ưu để tạo ra điện. Theo đó, cơ cấu điện năng theo dạng năng lượng sơ cấp đến năm 2015, nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 58% và năm 2030 sẽ chiếm đến 60 %. Trong khi đó, thủy điện và các loại hình khác có xu hướng giảm.
Ông Cường cho biết thêm, có thể trong 15 năm tới, lượng than nhập khẩu ở Việt Nam sẽ khoảng 520 triệu tấn. Điều này sẽ đòi hỏi thêm chi phí đầu tư hệ thống giao thông, cảng trung chuyển.
“Công nghệ nhiệt điện đơn giản và rẻ hơn nhiều so với dầu khí hoặc khí đốt. Hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang có khoảng 4 triệu tấn trấu/ năm và lượng rơm rạ gấp nhiều lần cùng với xác mía… sẽ là nguồn cung chất đốt cho ngành điện. Như vậy, nếu tận dụng được những phế phẩm nông nghiệp này, chi phí sản xuất điện sẽ rẻ hơn, sản lượng điện sẽ có thêm”, ông Cường nói.
Theo ông Lauri, Tổ chức Hòa Bình Xanh thế giới, hiện nay chưa có nghiên cứu chi tiết nào về tác hại của nhà máy nhiệt điện đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc vận hành các lò đốt than nhiệt điện sẽ sản sinh các loại khí độc như SO2, Nox và bụi.
Nguy hiểm hơn, những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) làm cho người dân có khả năng mắc các chứng bệnh gây tử vong như viêm hô hấp, ung thư phổi, ung thư vòm họng…
Đã có trường hợp người dân phản ứng khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) trong quá trình vận hành để bay bụi than làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của họ.
Bà Hoàng Thanh Bình, Tổ chức Hòa Bình Xanh báo cáo thêm, nhiệt than còn làm ô nhiễm nguồn nước, làm biến đổi khí hậu và quá trình đốt than thải thủy ngân ra không khí. Chất thải này sẽ theo mưa rơi xuống hệ thống sông ngòi.