ThienNhien.Net – Sau một số năm phát triển ồ ạt, hiện nay, phần lớn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đi vào thoái trào, nhiều hộ bỏ trống chuồng. Tuy nhiên việc làm này vẫn cần quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Bỏ thì thương…
Nhiều năm trước, khi gấu, cá sấu, rắn, kỳ đà, nhím… được coi là những loài vật nuôi “hái” ra tiền, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn hộ gây nuôi, xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá rắn thương phẩm chỉ còn bằng 1/4 trước đây, trứng rắn không tiêu thụ được, các loại động vật khác cũng không có người mua khiến nhiều hộ tự chuyển đổi sang mô hình khác.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lục Ngạn, đến tháng 4-2015, trên địa bàn huyện chỉ còn 46 cơ sở nuôi động vật hoang dã với gần 11,5 nghìn cá thể, chủ yếu là các loại rắn như hổ mang, ráo trâu, ráo thường, hươu sao, lợn rừng, nhím. So với những năm trước, số lượng cá thể gây nuôi giảm hơn 40%, riêng số lượng nhím giảm đến 99%.
Ở huyện Lạng Giang, năm 2014, trên địa bàn có hơn 60 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với gần 3 nghìn cá thể. Nay chỉ còn gần 10 cơ sở với hơn 500 cá thể, tất cả đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng vì giá bán sụt giảm, sản phẩm không có đầu ra.
Chi phí thức ăn cho mỗi con gấu rất tốn kém, để có đủ dinh dưỡng, chủ trại phải nấu cháo trộn bí đỏ, mật ong, trứng gà. Nhiều hộ không duy trì chế độ ăn được thường xuyên dẫn đến vật nuôi bị ốm chết. Từ năm 2003 đến nay, riêng cơ sở nuôi gấu tại xã Đào Mỹ (Lạng Giang) có 5 con gấu ngựa bị chết. Nếu không có biện pháp cứu hộ kịp thời, những cá thể gấu còn lại rất có thể chịu chung số phận. |
Theo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có hơn 300 hộ, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với khoảng 23 nghìn cá thể chủ yếu là gấu, nhím, tắc kè, hươu sao, rắn hổ mang, cá sấu, công, chim trĩ đuôi đỏ, kỳ đà hoa… tập trung chủ yếu tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, TP Bắc Giang. Số lượng cơ sở gây nuôi và cá thể có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong số động vật hoang dã đó có 13 cá thể gấu ngựa được các hộ dân nuôi nhốt tại huyện Lạng Giang, TP Bắc Giang, Việt Yên đang nằm trong nhóm nguy cấp, quý hiếm đặc biệt đã được Cục Kiểm Lâm gắn chíp quản lý. Một chủ hộ nuôi gấu trên địa bàn huyện Lạng Giang cho biết, trước đây nuôi gấu lấy mật cho thu nhập cao. Thế nhưng, hiện nay việc lấy mật, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ gấu đều bị cấm, mật gấu nuôi không có tác dụng như người ta vẫn tưởng nên nguồn thu từ gấu không còn. Nhưng do đã bỏ ra một số tiền lớn đầu tư ban đầu, nhiều hộ rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” khi phải cố nuôi.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo quy định, khi gây nuôi gấu, các hộ phải được Chi cục Kiểm lâm thẩm định nguồn gốc, cấp phép; gây nuôi các loại động vật hoang dã quý hiếm khác phải đăng ký với hạt kiểm lâm cấp huyện. Thực hiện chức năng quản lý, các hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng, diễn biến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại, chấp hành đầy đủ các thủ tục hành chính liên quan đến vật nuôi, tuyệt đối không để vật nuôi sổng thoát ra môi trường; nghiêm cấm hành vi săn bắt động vật hoang dã từ tự nhiên về gây nuôi.
Ông Hà Minh Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Không chỉ quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi, ngăn cấm tình trạng vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm còn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ giao nộp gấu, động vật nguy cấp để gửi đến các trung tâm cứu hộ. Hiện nay do các mô hình gây nuôi không cho hiệu quả kinh tế nên đa số các hộ đồng thuận chủ trương này nhưng họ đều yêu cầu được hỗ trợ chi phí đầu vào, chăm sóc. Trong khi đó, quy định hiện hành không có cơ chế này nên đến nay vẫn chưa có trường hợp vật nuôi nào được cứu hộ”.
Gây nuôi động vật hoang dã từng đem lại thu nhập cao cho nhiều người. Tuy nhiên, khi không còn hiệu quả kinh tế như trước, vật nuôi lại trở thành gánh nặng với chính các hộ. Ngoài ra, các loại rắn hổ mang hiện vẫn đang được nuôi với số lượng lớn, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ có nguy cơ thoát ra môi trường tự nhiên gây nguy hiểm cho người và vật nuôi khác, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Vì vậy, công tác tuyên truyền, quản lý việc gây nuôi động vật hoang dã cần được quan tâm đúng mức. Đối với các loài động vật nguy cấp đặc biệt như gấu, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách cứu hộ phù hợp, bảo vệ, bảo tồn những cá thể, nguồn gen quý hiếm.