ThienNhien.Net – Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm, bờ biển Cà Mau bị sạt lở bình quân 15 m, có đoạn đến 50 m, làm mất hơn 300 ha rừng phòng hộ.
Bờ biển Tây dài hơn 350 km từ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đến Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đang hứng chịu sức tàn phá nặng nề của sóng biển. Dù nhiều năm qua, các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương đã ra sức phòng hộ, gia cố nhưng vẫn còn một số nơi chưa khắc phục được do thiếu kinh phí.
Cần hàng ngàn tỉ đồng
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm, bờ biển ở đây bị sạt lở bình quân 15 m, có đoạn đến 50 m, làm mất hơn 300 ha rừng phòng hộ.
Bờ biển Tây qua tỉnh Cà Mau dài 147 km nhưng hiện có đến 40 km là vùng nguy hiểm do sạt lở. Trong đó, 17 km là đặc biệt nghiêm trọng, thuộc các xã Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), xã Tân Hải (huyện Phú Tân), xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).
Để đối phó với tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã xây dựng gần 18 km bờ kè ở nhiều vị trí xung yếu với tổng mức đầu tư 511 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chương trình đê biển và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tỉnh này đang kiến nghị trung ương xem xét, bố trí thêm vốn xây dựng tuyến kè ngầm tạo bãi dài 15 km ở những khu vực xung yếu tạo điều kiện cho cây mắm tái sinh, khôi phục rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ bền vững đê biển Tây. Bình quân 1 km kè tạo bãi tốn trên 30 tỉ đồng.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, nhận định mùa mưa bão năm nay, do triều cường thường xuyên dâng cao kết hợp mưa giông và sóng mạnh, có thể đai rừng phòng hộ vùng biển phía Tây sẽ bị phá hủy, sóng biển tác động trực tiếp vào thân đê gây sạt lở. Hậu quả, không chỉ tốn kém khắc phục sạt lở mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân ở những khu vực này.
Trong khi đó, Kiên Giang hiện có khoảng 30 km bờ biển đang bị xói lở mạnh. Tỉnh này cũng đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương bổ sung hơn 3.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2020 cho các chương trình hộ đê, khôi phục rừng phòng hộ ven biển.
Khu dân cư bị đe dọa
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, nhiều năm qua, tỉnh này đã chủ động triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, đầu tư xây dựng tuyến đê biển cùng với hệ thống cống trên đê để điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa, nuôi tôm và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên chương trình này triển khai rất chậm. Trong đó, 6 dự án xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu thì gần như chưa triển khai do đang chờ vốn. Riêng công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, từ năm 2010 đến nay, chỉ trồng được 47 ha. Trong khi đó, tình trạng xói lở bờ biển diễn biến hết sức phức tạp nhưng vẫn chưa có biện pháp hạn chế, khắc phục.
Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu và diễn biến xói lở bờ biển, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những năm qua, do lượng phù sa đổ về ĐBSCL giảm khoảng 80% đã gây sạt lở ven biển ở khu vực này với tốc độ ngày càng nhanh. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục củng cố đê biển theo Chương trình 667 về đầu tư xây dựng các cống quy mô lớn để chủ động kiểm soát mặn, lũ và bảo đảm nước cho sản xuất. “Đây là một vấn đề lớn cho phát triển bền vững trong thời gian tới của ĐBSCL” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tìm giải pháp để hướng dẫn các địa phương quy hoạch, thiết kế hệ thống đê; xử lý xói lở, phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình suất đầu tư điều chỉnh vốn trồng rừng tùy theo thực tế bồi lắng hay sạt lở.
“Đối với những đê đã lún, không bảo đảm thì phải ưu tiên gia cố. Nếu không xử lý vấn đề ngoài đê thì sau đó, chúng ta sẽ phải xử lý bên trong đê, phải di dời hàng loạt hộ dân làm ảnh hưởng đến đời sống của họ” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.