ThienNhien.Net – Nhà máy thủy điện (TĐ) Sông Côn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) tự ý lắp đặt thêm hệ thống van lật, nâng cao trình đập lên khoảng 1m, làm ngập nhiều diện tích đất của người dân. Tuy nhiên, phía TĐ vẫn không thực hiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi, cao trình ngập, cắm mốc, đền bù, khiến nảy sinh khiếu kiện kéo dài.
Phớt lờ đánh giá tác động môi trường
Tháng 12.2010, Cty CPTĐ Geruco Sông Côn đã tự ý nâng cao trình đập TĐ bậc 2 lên thêm 1m bằng cách lắp đặt thêm hệ thống van lật tại các khoang tràn tự do của đập. Việc này làm tăng thêm dung tích trữ nước, tăng sản lượng điện, đem lại lợi nhuận cho Cty thêm nhiều tỉ đồng mỗi năm, nhưng khiến hàng trăm hộ dân các xã hạ du mất đất, khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Quang Thử – GĐ Sở Công Thương Quảng Nam khẳng định: “Việc TĐ Sông Côn tự tổ chức thiết kế, phê duyệt, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống van lật trên là không đúng quy trình đầu tư. Từ tháng 4.2012, trước những kiếu nại của dân và huyện về việc này, UBND tỉnh giao cho sở chủ trì cùng các sở chức năng tiến hành kiểm tra, kết quả khẳng định, việc này đã làm thay đổi liên quan đến tác động môi trường, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, an toàn đập, vận hành hồ chứa… Đoàn kiểm tra yêu cầu Cty thực hiện các bước lập hồ sơ bổ sung trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh”.
Đến 21.1.2013, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị phía Cty CPTĐ Geruco Sông Côn lập hồ sơ thiết kế bổ sung, điều chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường trình phê duyệt để xác định mức độ ảnh hưởng; làm việc với các ngành chức năng, chính quyền địa phương để xác định mốc bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, phía TĐ Sông Côn chưa thực hiện. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT Quảng Nam) 14.7 cho biết, đơn vị chưa nhận được báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường của Cty CPTĐ Geruco Sông Côn sau khi lắp đặt thêm hệ thống van lật.
“Việc nâng cao cột nước lên thêm 1m không chỉ cần phải phê duyệt lại thiết kế, vận hành mà nhất thiết phải có điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo quy định, trước đây Sở TNMT là đơn vị thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường của TĐ này. Do vậy, nếu có điều chỉnh thì sở là cơ quan tiếp tục thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng đến hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo điều chỉnh” – bà Hạnh nói.
Dân khiếu kiện mất đất
Ông Đồng Sỹ Tài, một trong 9 hộ dân thôn Sông Voi (xã Jơ Ngây, Đông Giang) đứng đơn tố thủy điện Sông Côn tích nước làm mất đất, cho biết, từ khi TĐ Sông Côn nâng cao trình đập thì thêm nhiều diện tích đất của dân bị ngập, có diện tích bị cát bồi lấp đến hơn 1m, không thể canh tác hoa màu. “Ở thửa 310, tôi đã bị thu hồi hơn 3.100m2 đất, còn hơn 2.600m2 đất. Từ khi TĐ nâng cao trình, phần đất còn lại này bị cát đá bồi lấp, bị ngập úng, không thể canh tác được. Vậy mà TĐ nói không nằm trong phạm vi cao trình giải phóng mặt bằng, mà bị ảnh hưởng là do… trời. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn canh tác bình thường. Giờ TĐ phủ nhận trách nhiệm như thế là thiếu thuyết phục”.
Theo biên bản hòa giải tranh chấp đất đai do UBND xã Jơ Ngây lập vào ngày 19.5, phía TĐ Sông Côn cho rằng, sau khi kiểm tra hiện trường bằng máy toàn đạc, tất cả diện tích mà 9 hộ dân kiến nghị đều nằm ngoài cao trình 279m, ngoài phạm vi ảnh hưởng của hồ chứa. Về hiện tượng bồi lấp và sạt lở trong khu vực các hộ dân khiếu nại, Cty đưa ra nguyên nhân do một số đơn vị cá nhân khai thác cát sạn trái phép và do hiện tượng tự nhiên, mưa bão lũ hằng năm gây chuyển dòng chảy. Từ những lý do đó, TĐ này từ chối đền bù cho 9 hộ dân. Ông Cao Sỹ Ngọc – Phó Chánh Thanh tra huyện Đông Giang cho biết, huyện đã tham gia kiểm tra, rà soát cùng với các bên liên quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra thực hiện bằng máy GPS cầm tay và máy toàn đạc của TĐ Sông Côn không có đơn vị tư vấn, cũng như thẩm định của cơ quan nhà nước nên không đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, đánh giá tác động môi trường, phạm vi, cao trình ngập của hồ bậc 2 sau khi lắp thêm van lật chưa được hoàn thiện, thiếu cơ sở pháp lý cho việc xác định ảnh hưởng của cao trình đối với diện tích đất tranh chấp này.
Ngày 14.7, UBND huyện Đông Giang có báo cáo gửi UBND tỉnh cho biết, hiện vẫn còn 42 hộ dân chưa thống nhất về diện tích đất, tài sản bị ảnh hưởng. Việc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi cao trình ngập của TĐ chưa được thực hiện khiến địa phương không thể giải quyết tranh chấp giữa người dân và Cty CPTĐ Geruco Sông Côn. Ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo TĐ Sông Côn thực hiện thủ tục pháp lý về đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi, cao trình ngập của hồ chứa bậc 2, cắm mốc, lập hành lang bảo vệ hồ chứa để người dân biết và bảo vệ hồ chứa.
Trong khi đó, quá bức xúc vì mất đất sản xuất, các hộ dân thôn Sông Voi đã gửi đơn lên Thường trực HĐND tỉnh. Ngày 18.6.2015, HĐND tỉnh gửi công văn hướng dẫn các hộ dân này khởi kiện Cty CPTĐ Geruco Sông Côn ra tòa để được xem xét, giải quyết, do đây là tranh chấp dân sự. Các hộ dân này cho biết, nếu không được giải quyết thỏa đáng, họ sẽ tiếp tục khởi kiện.