Dân bức xúc vì nạn “cát tặc” trên sông Ngàn Sâu

ThienNhien.Net – Mặc dù chưa được cấp phép, nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra thường xuyên trên sông Ngàn Sâu thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh khiến người dân rất bức xúc.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, thời điểm này, tình trạng khai thác cát, sỏi đang là vấn đề “nóng” ở địa bàn huyện Hương Khê đặc biệt là các xã Hà Linh, Hòa Hải, Phúc Đồng, Phúc Trạch…

Trong đó, việc khai thác sỏi (cuội) ở bãi bồi sông Ngàn Sâu của xã Phúc Trạch diễn ra khá rầm rộ. Thời điểm PV tiếp cận, máy đào, máy rửa đang hoạt động và nhiều xe ôtô ra vào liên tục để “ăn hàng”.

Anh Nguyễn Ngọc Ký (SN 1969, trú xóm 4) bức xúc nói “Những năm trước, gia đình tui cùng hơn chục hộ dân khác khai hoang làm hoa màu ở bãi bồi đó. Nhưng vừa rồi bỗng nhận được thông báo của xã Phúc Trạch không được làm hoa màu nữa để cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi, nắn dòng chảy”.

Ông Lê Như Hãn xóm 4 tiếp lời “Chúng tôi cho rằng có sự ăn rơ giữa xã với doanh nghiệp để bán cát, sỏi chứ nói khai thác để nắn dòng chảy hạn chế sạt lở bờ sông là ngụy biện, là dối trá với dân”.

Cũng theo ông Hãn, việc khai thác cuội ở bãi bồi này trước đây diễn ra nhỏ lẻ do người dân đến lấy về làm nhà. Nhưng vài tháng nay xã cho doanh nghiệp vào khai thác rầm rộ khiến con đường duy nhất để người dân các xóm: 1,2,3,4,5 đi sản xuất, chôn cất người chết bị hư hỏng.

Ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch thừa nhận có một số hộ dân bức xúc sau khi xã ra thông báo thu hồi đất ở bãi bồi ven sông mà trước đó họ khai hoang làm hoa màu. Tuy nhiên, sau khi dân có ý kiến, phản ứng thì xã chưa thu hồi.

Về việc cho doanh nghiệp khai thác cuội, ông Khánh cho rằng do năm 2015 này, xã phải làm nông thôn mới (NTM) gồm 13 km đường giao thông và gần 3km kênh mương nội đồng nên đã hợp đồng với anh Phúc (người trong xã) khai thác để có vật liệu xây dựng.

Hợp đồng thời hạn 3 tháng (tháng 5 – 7) với điều kiện doanh nghiệp trả cho xã mỗi tháng 10 triệu đồng để nộp vào ngân sách. Việc này đã được huyện đồng ý về chủ trương để phục vụ xây dựng NTM.

Ông Khánh cũng thừa nhận có việc doanh nghiệp khai thác cát làm hỏng đường đi ra nghĩa địa nhưng sau đó đã được sửa chữa.

Ông Phan Quốc Lập – Trưởng Phòng TNMT huyện Hương Khê – cho biết, lâu nay nhu cầu về cát sỏi ở huyện Hương Khê là vấn đề nóng. Đặc biệt, khi phục phụ thêm nhu cầu xây dựng NTM. Riêng năm 2015, Hương Khê phải thực hiện xây dựng 113km đường giao thông, 14km kênh mương nội đồng, các công trình nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế… Trong khi đó, toàn huyện chưa có mỏ nào được cấp phép.

“Vì các xã kêu quá, kiến nghị nhiều quá. Nếu không cho thì các chỉ tiêu NTM sẽ không thực hiện được. Do đó, UBND huyện đã chủ trương cho khai thác tận thu và Phòng TNMT đã đi kiểm tra, đồng ý cho khai thác ở một số điểm mỏ không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, môi trường, sạt lở. Sau kiểm tra, Phòng đồng ý cho khai thác một số điểm, trong đó có điểm mỏ Phúc Trạch” – ông Lập nói.

Sau đây là một số hình ảnh khai thác cát, sỏi ở xã Phúc Trạch được PV ghi lại:

170715_khaithaccat1
Máy bơm đang rửa cuội sau khi xe đã “nhận hàng” (Ảnh: Trần Tuấn)
170715_khaithaccat2
Bãi khai thác khá rộng (Ảnh: Trần Tuấn)
170715_khaithaccat3
Có lán trại tại bãi khai thác (Ảnh: Trần Tuấn)
170715_khaithaccat4
Tạo thành những hố sâu sau khai thác (Ảnh: Trần Tuấn)
170715_khaithaccat5
Hố sâu sau khai thác (Ảnh: Trấn Tuấn)
170715_khaithaccat6
Một xe tới điểm bơm rửa (Ảnh: Trần Tuấn)
170715_khaithaccat7
Xe đang tiếp hàng (Ảnh: Trần Tuấn)
170715_khaithaccat8
Nhiều người dân xã Phúc Trạch bức xúc phản ảnh tình trạng khai thác cát, sỏi ở bài bồi bên kia sông (Ảnh: Trần Tuấn)