ThienNhien.Net – Theo thống kê của cơ quan tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), trên cả nước, khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm từ 65 – 70% số đơn khiếu nại, tố cáo; riêng số lượng đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai gửi đến Bộ TN&MT chiếm đến 98% số lượng đơn thư nhận được hằng năm.
Nhiều vụ khiếu kiện đông người
UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định số 2196/QĐ-UB ngày 25/7/2012 thu hồi đất để thực hiện dự án khai thác than và sản xuất vật liệu xây dựng do Công ty than Núi Hồng thực hiện, tại xã Yên Lãng và xã Na Mao (Đại Từ, Thái Nguyên) từ năm 2002. Dự án này có 200 hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 20 hộ dân tại xã Yên Lãng không nhận tiền đền bù và làm đơn khiếu nại đến UBND tỉnh, cơ quan trung ương.
Theo đại diện của 20 hộ dân xóm Chiến Thắng, xã Yên Lãng, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đại Từ không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, không có phương án đền bù, phương án hỗ trợ được cấp thẩm quyền phê duyệt, thực hiện cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định. Các hộ dân đề nghị, công ty than Núi Hồng cần xem xét hỗ trợ và tuyển dụng lao động đối với các hộ đủ điều kiện.
Đại diện tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã nhiều lần xem xét và giải quyết vụ việc nhưng 20 hộ dân không đồng ý với quyết định thanh tra và tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan trung ương. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, việc đền bù thiệt hại khi thu hồi đất, chủ đầu tư và UBND huyện Đại Từ không lập phương án đền bù trình UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ lập dự toán đền bù, không phù hợp với quy định của Chính phủ, cần xem xét rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, quyền lợi người dân có đất bị thu hồi không bị ảnh hưởng nên việc giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thái Nguyên là đúng pháp luật và các hộ dân xem xét chấm dứt khiếu nại.
Vụ việc khiếu kiện kéo dài như trên không phải là hiếm, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người vẫn diễn ra như tố cáo của các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang (Eco Park), tỉnh Hưng Yên, dự án của Tập đoàn Vinashin tại xã Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương), khiếu nại của các hộ dân phường Dương Nội, (Hà Đông, Hà Nội); khiếu nại, tố cáo của các hộ dân xã Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội)…
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai vẫn chiếm đa số là do chế độ chính sách đất đai thường xuyên thay đổi dẫn đến có “độ vênh” giữa chính sách trước và chính sách sau. “Trong 10 năm qua, Luật Đất đai ổn định nhưng trung bình mỗi năm có 1 nghị định mới về bồi thường tái định cư. Vì vậy nên dù chính sách có mở hơn nhưng khiếu nại tố cáo vẫn không giảm”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá.
Thừa nhận về thực tế này, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, quy định trước đây Nhà nước thu hồi đất không có bồi thường, đến nay luật đã có nhiều đổi mới, quy định thu hồi thì phải đền bù cho người dân. Quyền lợi của người sử dụng đất càng được đảm bảo hơn, khi trước đây áp dụng thu hồi theo giá của Nhà nước nhưng hiện nay quy định bồi thường theo giá thị trường. Chính điều này cũng tạo nên sự không công bằng với người bị thu hồi trước đây, dẫn đến khiếu nại.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất được giao cho các địa phương và việc thực hiện thu hồi đất ở các địa phương khác nhau sẽ có chính sách khác nhau. Ví dụ như ở hai tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội, là hai địa phương liền kề nhau, hai nhà chỉ cách nhau một gang tay nhưng lại nhận hai giá đất đền bù khác nhau, điều này cũng dẫn đến so sánh và khiếu nại.
Giảm thiểu khiếu kiện kéo dài
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tỷ lệ khiếu kiện liên quan đến đất đai chủ yếu là những vụ tồn đọng từ những năm trước, còn vụ việc mới phát sinh là không đáng kể. Đối với những vụ tồn đọng tố cáo kéo dài sẽ được áp dụng theo Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết khiếu nại tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài. Theo đó, những vụ việc khiếu kiện đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định nhưng công dân vẫn khiếu nại thì xem xét những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ đề xuất giải pháp hỗ trợ công dân trên cơ sở vận động chính sách xã hội.
“Đối với một số dự án khu đô thị, dân cư, trung tâm thương mại… mà người dân vẫn có khiếu nại liên quan đến giá đền bù thì địa phương cần vận động, thuyết phục chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho người dân ngoài phần bồi thường, đền bù theo quy định để họ ổn định cuộc sống”, ông Tuấn Anh nói.
Đại diện Tổng cục Đất đai cũng cho biết, Luật đất đai 2013 có hiệu lực với những bước tiến trong thu hồi, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đồng thời nhấn mạnh vai trò giám sát của người dân, tổ chức xã hội trong quy hoạch, xây dựng… sẽ giải quyết được những bất cập trước đây.
Dưới góc độ chuyên gia, GS Đặng Hùng Võ khuyến nghị, theo kinh nghiệm trên thế giới, các nước thường trộn 2 cơ chế bắt buộc theo quy định nhà nước và cơ chế tự nguyện của chủ đầu tư và người dân. “Việc thu hồi đất được đưa ra để cộng đồng những người bị thu hồi đất thảo luận, họ được đề xuất, tham gia quá trình lập phương án đền bù, những bất cập được người dân phản ánh ngay từ đầu để nhà nước và chủ đầu tư có hướng giải quyết. Việc này sẽ cho họ cảm thấy có quyền được quyết định, quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận của người dân. Chúng ta nên có góc nhìn đó, việc người dân được góp tiếng nói sẽ hạn chế những khiếu kiện về sau”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.