ThienNhien.Net – Để giải quyết “bài toán” tồn đọng rác thải rắn đô thị và nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu lựa chọn dự án thí điểm xử lý chất thải rắn khác phù hợp hơn trên cơ sở đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn trên cả nước.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu liên Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 152/VPCP-KTN ngày 9/1/2015 của Văn phòng Chính phủ.
Công văn số 152/VPCP-KTN nêu rõ: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn đồng thời đề xuất mô hình để xử lý chất thải rắn phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn của khu vực nông thôn.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt làm căn cứ kiểm soát việc nhập khẩu các lò đốt xử lý chất thải rắn bảo đảm yêu cầu môi trường và phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Theo ước tính, hiện nay, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại đô thị ước khoảng 31.500 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom đạt khoảng 84% với mô hình phần lớn là các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Đặc biệt, những năm gần đây, khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực môi trường, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các đô thị.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay, biện pháp xử lý chất thải rắn đô thị tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 3 công nghệ chính, đó là: Chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt, trong đó chôn lấp là phương pháp phổ biến nhất.
Cụ thể, hiện cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô trên 1.800 ha, nhưng trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977 ha). Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích lớn..