ThienNhien.Net – Mỗi ngành, mỗi địa phương đang “cắt khúc” những dòng sông để khai thác mà quên rằng tác động tiêu cực của nó không nằm trong một biên giới nhất định.
Số lượng các đập thủy điện đã, đang và sẽ hình thành trên thượng nguồn các dòng sông, chặn đáng kể lượng phù sa đổ về hạ nguồn. Cộng thêm tình trạng khai thác, nạo vét bùn cát với khối lượng lớn càng khiến các khu dân cư ở hạ nguồn “rung rinh”.
Bào mòn lòng sông
Tại hội thảo về vấn đề sạt lở được tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng mới đây, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng có rất nhiều yếu tố dẫn đến sạt lở bờ biển, bờ sông nhưng trước hết là do chịu tác động từ thượng nguồn bởi việc xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện dẫn đến thay đổi dòng chảy, khả năng trữ nước của rừng giảm, khai thác nước ngầm gây lún đất, sử dụng đất phát triển nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu…
ĐBSCL được hình thành từ trầm tích sông nhưng hiện nay, lượng trầm tích suy giảm nghiêm trọng. Qua theo dõi của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), từ năm 1992-2014, lượng trầm tích lơ lửng ở lưu vực sông Mê Kông đã giảm từ 160 triệu tấn/năm còn 75 triệu tấn/năm. Thế nhưng mỗi năm, các con sông ở ĐBSCL đã bị lấy đi 34 triệu m3 trầm tích, trong đó có 90% là cát. Trung tâm Quản lý quốc tế Môi trường cho biết hằng năm, tổng lượng bùn cát đọng lại trên sông Mê Kông từ trạm Kratie (Campuchia) về ĐBSCL rồi ra biển chỉ khoảng 12 triệu – 18 triệu m3.
TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cho biết nền nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam phụ thuộc vào vận chuyển chất dinh dưỡng trong trầm tích. Vì vậy, việc giảm tải lượng trầm tích làm tăng chi phí cho 2 ngành nói trên, gây xói lở bờ và vùng ven biển. Dự báo đến năm 2050, khoảng 1 triệu người sẽ bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất ở ĐBSCL. Theo TS Tứ, sông Đồng Nai – dòng sông lớn ở khu vực Đông Nam Bộ và đóng vai trò quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – cũng đang lâm vào cảnh suy giảm trầm tích nghiêm trọng. Từ sau khi hàng loạt đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn, lòng sông bắt đầu bị xói sâu dẫn đến 2 bờ lở mạnh. Thiếu hụt lượng trầm tích và khai thác cát dọc sông là 2 nguyên nhân chính. Số liệu quan trắc tại các khu vực như Bình Chánh, Cát Lái… cho thấy lượng phù sa giảm đến 70%-90%.
Tác động xuyên biên giới
Theo ông Marc Goichot, chuyên gia về năng lượng và thủy điện của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, các điều tra cho thấy sông Mê Kông đang trong tình trạng thay đổi nhanh chóng và rất có khả năng dòng chảy hiện tại của con sông này không ở trong trạng thái cân bằng động với nguồn cung trầm tích cho sông. Những điều chỉnh đang diễn ra với lượng cung trầm tích giảm có thể bao gồm xói lở bờ, đào khoét lòng sông, thay đổi mô hình và số lượng của các trầm tích chuyển tải đến các vùng đồng bằng châu thổ và biển.
Theo PGS-TS Đinh Công Sản, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, việc cấp phép khai thác cát trên các sông Tiền và sông Hậu chưa xét đến lợi ích tổng hợp như kết hợp cải tạo luồng giao thông thủy, tăng khả năng thoát lũ, giảm bồi lắng và xói lở cho các khu vực sông phân lạch, cũng như chưa có quy trình cụ thể trong việc khai thác cát hợp lý. Các cơ quan chức năng chỉ xem xét khối lượng của các mỏ cát đã được tạo thành trong nhiều năm, chưa xem xét đến khối lượng cát từ thượng nguồn về lắng đọng trong các khu vực, đặc biệt khi đã khai thác đến độ sâu giới hạn. Vì thế, ông Sản cho rằng ba bộ NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải (GTVT) cần ngồi lại để ban hành khung pháp lý, các quy định cũng như hướng dẫn cụ thể hoạt động khai thác cát sông.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nhận xét luật pháp Việt Nam chỉ nhìn nhận dòng sông là một dòng chảy trong khi thế giới quan điểm dòng sông là một công trình cần có đơn vị quản lý thống nhất. Theo GS Hồng, hiện ngành nào chỉ biết ngành nấy, mà không có sự phối hợp lẫn nhau: Bộ NN-PTNT lo lấy nước, Bộ GTVT nạo vét, Bộ Công Thương xây thủy điện và khai thác cát…; rồi mỗi địa phương làm theo ý mình mà không quan tâm đến việc dòng sông bị khai thác sẽ gây tác động ra sao. “Đừng nghĩ rằng khai thác cát ở tỉnh A không tác động gì đến tỉnh B, một điểm trên lòng sông bị rỗng có thể hút cát từ nơi khác về và nơi ấy cũng có thể bị sạt lở. Tác động của dòng sông là tác động xuyên biên giới – GS Hồng cảnh báo. Việc tận thu bùn cát không theo quy hoạch, không kiểm soát sẽ tàn phá bờ sông, hệ thống đê bao, trạm bơm thủy lợi và cả các khu dân cư. Vì thế, trước mắt cần nhanh chóng lập quy hoạch quản lý, sử dụng, chỉnh trị cho một số các dòng sông lớn, các sông nhỏ, tất nhiên cũng cần quản lý theo cách như vậy. “Trước khi có các quy hoạch này, những dự án đang thực hiện tiềm ẩn nguy cơ, gây nhiều tranh cãi nên dừng lại để đánh giá, giảm bớt hậu quả đáng tiếc không thể bù đắp được!” – GS Hồng khuyến cáo.
Suy giảm trầm tích
Việc suy giảm trầm tích, theo đánh giá của ông Marc Goichot, có thể là do khai thác cát và xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn. Ba hồ chứa tại Trung Quốc có khả năng giữ lại khoảng 32-41 triệu tấn trầm tích/năm. Nếu toàn bộ bậc thang 8 đập nước được xây dựng thì sẽ chặn lại mỗi năm hơn 50% tổng tải trầm tích của lưu vực (khoảng 140 triệu tấn). Các đập hiện có ở hạ lưu vực sông Mê Kông giữ lại từ 35-45 triệu tấn/năm. Nếu tất cả các đập ở hạ lưu vực được xây dựng, chúng sẽ giữ lại khoảng 100 triệu tấn trầm tích/năm. Ông Marc Goichot nói: “Tác động của các đập ở Trung Quốc là một trong những nguyên nhân lớn làm cán cân trầm tích thay đổi. Bằng chứng là chúng tác động đến tải mịn lơ lửng chuyển từ thượng nguồn mà không lắng đọng trước khi đến các vùng đất thấp của Campuchia”. |